Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 27-b) nhận xét về nhân cách của quan lại triều đình như sau:
“Bấy giờ, bọn Khâm sai và võ tướng, phần nhiều cậy thế có công, lại được thân cận (với Vua và Chúa), cho nên, không chịu tuân theo chiếu chỉ, mệnh lệnh, lấy lạm của dân, công nhiên hối lộ, tự tiện sa thải người già hoặc miễn bắt lính (cho người này người nọ), làm cho thiên hạ điên đảo vì bất công, nhiều phen bị chất vấn, quở trách mà vẫn không chừa. Quá quắt nhất là quan lo việc duyệt tuyển ở Thanh Hoa: Thái Bá Kỳ. Duy chỉ có các quan Cao Ty, Trần Vỹ, Lã Thì Trung, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tài Toàn, Nguyễn Khắc Văn, Nguyễn Trừng… là biết thận trọng giữ phép nước, không làm điều sai quấy, được lòng người nên dân rất ca ngợi.
Vì thực trạng nói trên, tháng 4 năm Nhâm Thân (1632), triều đình vua Lê-chúa Trịnh phải bãi chức của một số quan lại cao cấp mong lấy đó làm gương để răn đe kẻ khác. Sách trên (tờ 31-b) chép:
“Mùa Hạ, tháng Tư, bãi chức của Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lại. Bấy giờ, bọn Lại bộ Tả thị lang là Nguyễn Tuấn và (Lại Bộ) Hữu thị lang là Nguyễn Lại, khi tuyển bổ các chức, thường hay nhũng lạm. Quan lại của triều đình là Nguyễn Thực và Nguyễn Khải hặc tội họ, họ liền bị bãi chức, nhưng rồi lại cho tiếp tục làm công việc tuyển dụng quan lại, và họ lại ngang nhiên ăn của đút. Lúc ấy, có người làm câu hát rằng:
Các chức bị viên
Lưỡng Bột tận điền.
Nghĩa là : Nếu các chức mà tuyển bổ được đầy đủ, thì hai làng là Bột Thượng và Bột Hạ (Lưỡng Bột là từ chỉ chung hai làng Bột này) sẽ hết sạch cả ruộng. (Nguyễn Lại quê ở làng Bột Thượng. Hai câu nói trên có ý chỉ việc Nguyễn Lại ăn hối lộ nhiều, do đó sẽ thừa tiền để mua hết đất của hai làng Bột)”.
Lại cũng sách trên (tờ 30-a), đã ghi một sự kiện khá độc đáo về việc xử lí quan lại mắc lỗi lầm như sau: “Đổi ngang chức cho Trần Nghi ra làm Tham chính xứ Sơn Tây, đưa Phạm Phúc Khánh lên làm Hiến sát xứ Lạng Sơn, Đặng Phi Hiển làm Hiến sát xứ Tuyên Quang, Lê Phan Lân làm Hiến sát xứ Yên Quảng. Lí do : vì bọn (Trần) Nghi không biết giữ phép nước khi làm quan”.
Lời bàn:
Thuở ấy, quan lại được coi là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân). Hành trạng của họ, sai quấy mức nào, sử đã chép rành rành ra đó. Từng nghe: cha mẹ trách phạt con cái, chứ chưa từng nghe con cái trách phạt cha mẹ, cho nên, nếu các quan phạm tội mà vẫn được nhởn nhơ yên vị, ấy cũng bởi cái sự từng nghe đã nói ở trên.
Triều đình bãi chức của Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lại song vẫn cho họ được tiếp tục làm công việc cũ, ấy chẳng qua là khéo nhắc hai bậc đại thần Nguyễn Thực và Nguyễn Khải, rằng quyền trong tay Chúa, các người hãy liệu chừng! Bọn Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lại ăn hối lộ cũng cứ mặc họ, các người chớ có quên câu nói nổi tiếng của Trần Khánh Dư thuở nào: “Tướng là chim ưng, quân dân là vịt. Lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”
Còn như việc đổi ngang chức cho bọn Trần Nghi, Phạm Phúc Khánh, Đặng Phi Hiển, Lê Phan Lân .. là việc cực kì sòng phẳng. Nếu không đổi ngang chức, chẳng lẽ để họ phải thua thiệt trong sự… lột da dân nước hay sao? Trao cho họ chức Hiến sát (trông coi về luật pháp) cũng là cực kì chí lí. Họ không biết giữ phép nước nên phải mạnh dạn giao cho họ chức này, đó là thượng sách. Giao cho những người biết giữ phép nước thì chỉ tổ làm cho triều đình thêm rối ren bởi cái chứng lí sự của họ mà thôi.
Con cò khôn ngoan là con cò biết tạo ra vẻ biết lợi dụng cảnh nước đục. Dân gian vẫn nói: “đục nước béo cò” đó thôi. Thương hại thay, lũ cò thời này béo quá, cất cánh không nổi, chết rũ xương trong sử sách, mở ra trông thấy mà kinh hồn. Những kẻ đang mong được làm “cò” như các quan thuở trước, dẫu chỉ là “cò con”… xin hãy đọc kĩ đoạn này, làm nhơ bẩn sử sách là tội lớn, muôn đời chưa dễ rửa được đâu.
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)