Thương hại thay! Tướng quân Hầu Nhân Bảo

Năm 960, Triệu Khuông Dận lên ngôi Hoàng Đế, đó là Tống Thái Tổ,  vị vua đầu tiên của nhà Tống (960 – 1278). Cũng  như bao Hoàng Đế Trung Hoa khác, ngay sau khi lên ngôi, Tống Thái Tổ đã mưu tính kế sách bành trướng xuống phương Nam. Nhưng, kế sách chưa thực hiện được thì Tống Thái Tổ qua đời. Hoàng Đế kế vị là Triệu Khuông Nghĩa (tức Tống Thái Tông) quyết nối chí lớn của Tống Thái Tổ, ngày đêm lo nghĩ mưu đồ thôn tính nước ta. Đang khi Tống Thái Tông chưa tìm được cơ hội thuận tiện, thì ở nước ta, Đinh Tiên Hoàng qua đời và ngay sau đó là cuộc xung đột vũ trang giữa phái của Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp với phái của Lê Hoàn. Quan biên ải phía Nam của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dò biết được mọi sự, bèn xin được về triều để báo cáo tình hình. Nói cho ngay, Hầu Nhân Bảo cũng vì mâu thuẫn với đồng liêu cho nên bị bắt ra làm quan ở biên ải phía Nam, chín năm trời không được về thăm nhà, đến đây, muốn xin về triều để nhân đó mà xin về thăm nhà luôn thể. Nhưng, thương hại thay, Hầu Nhân Bảo tính kế lợi mình mà hại người, chưa thỏa ước nguyện riêng đã phải về nơi chín suối. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 1) có hai đoạn chép chuyện Hầu Nhân Bảo, nay xin được giới thiệu như sau:

“Trước đây, viên quan giữ đất Ung Châu (Trung Quốc) của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dâng thư (về triều) nói rằng, ở Giao Châu (chỉ nước ta) đang có biến loạn, triều đình chỉ cần đem một ít quân sang là cũng đã có thể chiếm lấy được. Hầu Nhân Bảo cũng xin được về triều để trình bày việc này. Vua Tống được thư, mừng lắm, đã toan sai quân chạy ngựa trạm đi triệu Hầu Nhân Bảo về ngay, nhưng Lư Đa Tốn, kẻ có hiềm thù với Hầu Nhân Bảo và đặc biệt là với Triệu Phổ, anh vợ của Hầu Nhân Bảo lại tâu rằng:

– Nước nhỏ kia đang có nội loạn,  đó chính là cơ trời khiến chúng phải mất, thế thì ta nên xuất kì bất ý mà đánh úp, tức là làm theo lối sét đánh thình lình, che tai không kịp. Nay nếu có lệnh cho Hầu Nhân Bảo về trước thì mưu kia tất phải bị lộ, bọn họ biết mà đề phòng, ta không dễ gì lấy được đâu. Vậy, chi bằng hãy mật sai Hầu Nhân Bảo ngầm lo mọi việc, sau mới xuất quân đánh tràn sang, thắng lợi mười phần cầm chắc cả mười.

Vua Tống cho lời ấy là phải, bèn phong cho Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu Thủy Lục Chuyển Vận Sứ, lại phong cho bọn Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng và Giả Thực được quyền nắm binh mã, hẹn ngày cùng kéo sang xâm lược nước ta” (Tờ 12).

“Bấy giờ (năm Tân Tị, 981), quân Tống tràn sang xâm lấn nước ta. Hầu Nhân Bảo kéo đến Lãng Sơn (tên một hòn đảo ở vịnh Hạ Long), Trần Khâm Tộ kéo đến Tây Kết. Lưu Trừng kéo đến Bạch Đằng. Nhà vua (chỉ Lê Hoàn) tự mình làm tướng để chống giặc, sai quân đóng cọc gỗ ở sông Bạch Đằng để cản đối phương. Quân Tống quá đông nên quân ta đánh có phần bất lợi, hai trăm thuyền chiến bị giặc cướp. Hầu Nhân Bảo đem quân tiến lên trước nhưng Tôn Toàn Hưng thì đóng quân lại, tỏ ý dùng dằng, khiến cho Hầu Nhân Bảo phải mấy phen thúc giục.

Khi quân Hầu Nhân Bảo tới, Nhà vua sai người trá hàng rồi lập mưu, dụ bắt được Hầu Nhân Bảo đem chém. Bọn Lưu Trừng sợ mà rút lui, Trần Khâm Tộ nghe tin cũng tháo chạy trở về. Nhà vua sai tướng xuất quân truy kích. Trần Khâm Tộ thua to, quân lính chết hơn quá nửa. Bọn bộ tướng của giặc là Quách Quân Biện và Hứa Trọng Tuyên đều bị bắt giải về kinh đô. Quan giữ chức Chuyển Vận Sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên viết tờ tâu về triều, báo cáo việc thua trận. Vua Tống bèn hạ lệnh rút lui (Tờ 17).

Lời bàn : Đánh lén vào nước người khi nước người đang có biến loạn, kế ấy tuy chẳng mới mẻ gì, nhưng, như Hầu Nhân Bảo mà cũng biết được thì cũng cho là thông minh. Tiếc thay, Lê Hoàn lại thông minh hơn Hầu Nhân Bảo. Người sinh không phải thời, ấy là Hầu Nhân Bảo chăng?

Lư Đa Tốn quả là kẻ thâm hiểm. Một lời hắn nói ra, nghe cứ ngọt như đường, trên thì khiến vua phải ưng theo, dưới thì buộc đồng liêu (cũng là đối thủ) phải ngậm bồ hòn và cam phận bị chôn chân ở nơi biên ải.

Binh pháp cổ của Trung Quốc vẫn răn tướng lĩnh phải biết người biết ta. Hầu Nhân Bảo chẳng hề biết ta cũng chẳng hề biết người, không chết sớm mới là lạ, chớ chết sớm có gì là lạ đâu.

Với người, tức là với nước ta, Hầu Nhân Bảo chỉ mới thấy có sự biến loạn, chưa hề biết Lê Hoàn là người như thế nào. Với mình, tức là với nhà Tống và bạn đồng liêu, Hầu Nhân Bảo chỉ mới láu lỉnh, tính nhân việc này để làm việc kia, chưa hề biết rằng, phàm là việc bất nghĩa, sớm muộn thế nào cũng thảm bại, cũng chưa hề biết rằng, một đồng liêu ngầm nuôi mưu hãm hại thì nguy hại còn hơn cả binh hùng tướng mạnh của đối phương. Chẳng hay sinh thời, Hầu Nhân Bảo có bao giờ nghĩ đến những điều đại loại như thế này. Nhưng, nếu có nghe thì cũng chưa hề nghĩ thấu đáo, nếu không, sự thể đâu đến nỗi bi thảm như vậy. Thương hại thay!

(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.