Thượng Hoàng Trần Thừa với đứa con rơi

Thời Trần, vua thường chỉ ở ngôi một thời gian rồi nhường lại cho con để lên làm Thượng hoàng. Trần Thừa tuy không hề làm vua ngày nào, nhưng nhờ có con thứ là Trần Cảnh giành được ngôi vua từ tay họ Lý, nên tháng 10 năm Bính Tuất (1226) cũng được tôn là Thượng hoàng. Vua đầu triều Trần cũng vì thế mà gọi là Thái Tông chứ không phải là Thái Tổ như vua đầu của các triều đại khác.
Họ Trần vốn quê ở làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định), sống bằng nghề chài lưới. Cuộc đời sông nước lênh đênh, cũng đã có lần, thuyền tình của Trần Thừa cập bến xứ người.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 7a-b) chép rằng: “Xưa kia, khi Thượng hoàng còn hàn vi, có lấy người con gái thôn Bà Liệt, huyện Tây Chân (nay là đất Nam Chân, Nam Trực, Nam Định – ND). Người đó có thai thì Thượng hoàng ruồng bỏ, sinh con (đặt tên là Bà Liệt), Thượng hoàng cũng không nhận. Lớn lên, Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin vào đội đánh vật. Một hôm, Bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ đến suýt bị tắt thở. Thượng hoàng trông thấy liền thét lên rằng: Con ta đấy! Người ấy sợ hãi lạy tạ. Ngay hôm đó, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con”.
Sau đó, Bà Liệt được phong làm Hoài Đức Vương.
Lời bàn:
Hồi ấy không có luật hôn nhân một vợ một chồng, cho nên, duyên kì ngộ của anh thuyền chài làng Tức Mặc với thôn nữ làng Bà Liệt, kể cũng là sự thường. Sự không thường chỉ là ở chỗ Trần Thừa không nhận Bà Liệt làm con. Chuyện này xảy ra vào năm 1232, khi Trần Thừa đã ở tột đỉnh của vinh hiển. Vậy mà thiếu phụ thôn Bà Liệt cũng chẳng đòi hỏi gì? Thế mới biết bà cần tình yêu chứ chẳng cần giàu sang. Xét về cái tâm, lúc đó, ai dám bảo Thượng hoàng hơn được người đàn bà nghèo nơi thôn dã này.
Khi Bà Liệt bị bóp cổ đến suýt chết, Thượng hoàng mới nhận Bà Liệt làm con. Tuy muộn màng nhưng đó mới thật là phẩm chất con người. Tiếc là sử chỉ nói chuyện Thượng hoàng nhận con, không nói chuyện nhận vợ. Nạn nhân thường dễ bị phẫn khích, đã mấy ai cao khiết được như người phụ nữ thôn Bà Liệt này.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.