Tiết Tồn Nghĩa, người Hà Đông(1) sắp đi làm quan. Ông Liễu Tôn Nguyên làm tiệc tiễn hành ở bờ sông, rót chén rượu mời Tồn Nghĩa mà nói rằng: “Phàm ra làm quan ở hạt nào, phải biết chức phận của mình là người làm việc cho dân, chứ không phải sai dân làm việc cho mình. Dân ở trong hạt đã chịu nộp thuế, để lấy tiền thuê quan giữ sự công bình cho dân, mà nay, ngán thay, thiên hạ ra làm quan, tiền thuế của dân thì biết lấy cả, còn công việc của dân thì trễ biếng, thường khi lại dụng tâm ăn cắp của dân nữa.
Giả sử ta đây thuê một người làm việc trong nhà, nó đã lấy tiền thuê mà lười không làm việc, lại còn ăn cắp đồ thập vật(3) trong nhà thì tất ta phải giận mà trách phạt nó và đuổi nó đi. Bây giờ làm quan như thế nhiều, mà dân không dám nổi giận trách phạt và đuổi đi là tại làm sao? Chỉ tại thế lực khác không làm được mà thôi. Nhưng thế lực dù khác mà lý vẫn là một. Nên người làm quan nếu làm thế nào cho đáng đồng tiền thuê của dân ?
Này Tồn Nghĩa, ngươi trước đã làm quan huyện ở Linh Lăng(4) hai năm, ngày ngày dậy sớm, đêm đêm thức khuya, chính sự siêng năng, xử kiện công bằng, thu thuế phải chăng, già trẻ không ai đem lòng thù ghét, ngươi thật là biết lo và giữ gìn lắm, cho nên ngươi lấy tiền thuê của dân rất là đáng vậy.
Ta đây chức nhỏ không được dự vào việc bàn bạc xét công cho người đi làm quan, để thăng thưởng hay trách giáng. Ta chỉ biết ngươi đi làm quan, nên thưởng tiệc rượu này lấy nhời trân trọng để tiễn hành”.
Liễu Tôn Nguyên(2)
Lời bàn: Bài của Liễu Tôn Nguyên đây thực là hợp với cái ý tưởng tối tân đời nay. Quan nay không phải là cha mẹ dân, chỉ là kẻ làm công, lấy tiên thuê của dân mà thôi. Ôi! Từ cái bậc làm cha mẹ người ta đến cái bậc làm kẻ thuê mướn của người ta xa cách đến chừng nào! Tuy vậy bình tĩnh mà nói, bỏ giọng quá khích, tôi tưởng người cầm vận mệnh dân chúng một địa phương mà thiếu tư cách, chỉ biết làm thuê, không nhận chân coi việc nước như việc nhà, coi dân chúng như con em. Hỏi việc làm có chu đáo và dân có được nhờ không? Cả quyết không. Nhất định người làm quan phải làm thế nào cho dân coi như phụ mẫu mới đáng là quan. Vì buổi mật tục này, người làm quan phần nhiều quên cả thiên chức, tham ô, tàn ác cho nên người ta mới dùng hai chữ “công bộc” để cảnh tỉnh họ và cố đưa họ đến chỗ hiểu chức vụ. Vậy chính người làm quan nên vui lòng tự nhận là công bộc mà cố gắng sao cho dân chúng coi như cha mẹ, nha lại sợ như thần minh thì mới thật là làm quan vì dân vì nước vậy.
(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)