Trần Nhân Tông với phép nước

Thời Trần Nhân Tông làm vua (1278 – 1293) là thời đất nước có nhiều biến cố trọng đại, trong đó, nổi bật hơn cả là hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên (1285 và 1288). Trước những biến cố trọng đại của lịch sử, mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau và chính sự nhìn nhận đó đã dẫn họ đến với những vị trí cũng rất khác nhau trong lịch sử. Thời ấy có rất nhiều bậc anh hùng cái thế, để lại danh thơm muôn thuở, nhưng thời ấy cũng có không ít kẻ hèn nhát và phản bội. Có công thì thưởng, có tội thì trị, ấy là lẽ công bằng. Trần Nhân Tông giữ phép nước rất nghiêm, nhưng Trần Nhân Tông cũng là người rất nhân hậu, luôn tìm cách mở lối cho kẻ phạm tội nhẹ có thể hối cải. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5 tờ 57b và 58a) có chép một đoạn nói về cách sử sự của vua Trần Nhân Tông năm 1289 như sau: “Trước kia, người Nguên vào cướp, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đếnkhi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng và vua sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc, chỉ có kẻ nào đầu hàng từ trước (ý nói trước và trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 – ND) thì dẫu bản thân ở triều đình giặc cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản sung công, tước bỏ quốc tính:.

Lời bàn:

Hoàng đế mở lượng hải hà, không thèm chấp nhất lỗi của bon tiểu thần bạc nhược. Song kẻ bạc nhược lẽ đâu lại quên được lầm lỗi của mình. Vua không dùng hình pháp để nghiêm trị mà thực là đã nghiêm trị rồi đó vậy. 

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo dục)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.