Câu chuyện New York
Vài lời giới thiệu
Câu chuyện New York dưới con mắt và ngòi bút của nhà văn người Pháp Didier Decoin.
John Địa Ngục, một thổ dân da đỏ vốn không biết chóng mặt, làm nghề lau rửa cửa kính chót vót trên các nhà chọc trời. Anh có thể cảm nhận nhiều điều trái ngược nhau và vượt tầm cỡ bình thường của hôm nay và ngày mai, ở cái thành phố mà anh yêu quí. New York dường như luôn hoan hỉ, quay cuồng, lấp lánh trong ánh sáng giàu sang, nhưng cũng rất da diết với những lo âu, vất vả, bất công… Anh cũng nhận biết bắt đầu diễn ra âm ỉ cảnh những ngôi nhà có kết cấu bê tông bị mủn từ bên trong, hoặc những mảng tường, ống cống nứt nẻ…, gắn với hiện tượng chó bỏ nhà thành đàn mấy nghìn con trốn vào vùng núi lân cận. Anh đoán rằng thành phố chẳng bao lâu sẽ sập đổ tan tành… Một thượng nghị sĩ và ứng viên thị trưởng thành phố đang vận động tuyển cử, khai thác các diễn biến ấy…
Thất nghiệp và bị kết tội “chống lại Nhà Nước”, tình cờ John Địa Ngục gặp hai người cùng số phận long dong: Một cô giáo trẻ người da trắng, giảng viên Đại học chẳng may bị tai nạn, tạm thời sống phấp phỏng trong đêm tối mờ mịt; và một sĩ quan tàu biển người Do Thái bị hất lên đất liền, không nguôi nhớ về một vùng quê đầm lầy ở Ba Lan, đã bán các cơ quan nội tạng của mình để lấy tiền sống tạm… những ngày biệt xứ cuối cùng. Họ hợp thành một bộ ba, có những quan hệ luyến ái, nương tựa nhau, gắn bó và chia lìa…
Nói chung, là những câu chuyện đời thường… Ở Mỹ, tại New York, khoảng giữa những năm 1970. Qua một phần tư thế kỷ, sau sự kiện bi thảm ngày 11-9-2001, nay đọc tác phẩm văn học hiện đại này, có thể có những liên tưởng nào đó… Cũng ở thành phố nổi tiếng và các đường phố ấy, tuy bấy giờ tòa tháp đôi WTC ngất ngưởng lưng trời mới chỉ xuất hiện vài năm, cũng cuộc sống ấy với nhiều màu sắc, những điều muôn thuở và mang dấu ấn của thời gian…
Didier Decoin sinh năm 1945, bắt đầu con đường cầm bút với
nghề làm báo rồi trở thành nhà văn có tên tuổi ở Pháp. Ông viết nhiều truyện dài và kịch bản đã chuyển thành phim. Bạn đọc Việt Nam đã có dịp xem cuốn tiểu thuyết của ông, nhan đề “Người nữ hầu phòng trên tàu Titanic”.
Tác phẩm mang tên John l’Enfer (John Địa Ngục) qua bản dịch của chúng tôi – Câu chuyện New York – đã được giải thưởng Goncourt năm 1977. Một nhà phê bình văn học viết trên báo Aurore bấy giờ đánh giá: “…đối với tôi, đó là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất tôi đã đọc trong mùa ấy”.
Năm 1995, Didier Decoin được bầu làm tổng thư ký Viện Hàn Lâm Goncourt
Người dịch: Viễn Nguyên