LỜI GIỚI THIỆU
Người sưu tầm sách ngày nay không có nhiều, ấy vậy mà cũng mỗi người một kiểu khác nhau. Có người yêu đọc lấy cái chữ, có người yêu những hình vẽ, người yêu sự xưa cũ và cũng có người sưu tầm theo chúng bạn, lấy nơi kết giao bạn bè cùng cá tính.
Người sưu tầm sách thường thích những cuốn sách cũ/xưa nhưng còn mới ! Nghe có vẻ lạ lùng nhưng cũng có cái lí. Vậy lí ở đâu ? Những cuốn sách xưa ở đây hiểu là được xuất bản từ rất lâu rồi, nếu còn giữ được diện mạo mới thì rõ ràng là kì tích. Khi cẩm sách trên tay có cảm giác sạch sẽ, vuông vắn mà vẫn có nét hoài cổ. Người sưu tẩm trân quý nó vì chính cái kì tích ấy và bởi sự hiếm có của nó. Sách xưa mà còn giữ được như mới thì mấy ai có được.
Nhân một lần đọc bài viết CUỘC ĐỜI SÁCH CŨ LIÊN XÔ của anh Hoàng Nguyễn trên group Sách cũ Liên Xô, cảm thấy rất thú vị, tôi muốn bắt tay vào làm điều gì đó để lên tiếng đồng cảm với các cuốn sách cũ nát ít được người chủ quan tâm và thậm chí ruồng bỏ.
Ngoài những chỉ tiết khiến tôi kinh ngạc về hành trình của cuốn sách từ một thân cây ở nước Nga xa xôi, qua nhà máy, qua xưởng in, mối quan hệ bao cấp của Liên Xô với các nước xã hội chủ nghĩa, cuộc khủng hoảng của Liên Xô những năm 80, chuyện mua bán sách cũ ngày nay ở Việt Nam…còn có một bài học đáng suy ngẫm về giá trị của những cuốn sách. Tôi không chủ ý so sánh một cuốn sách xưa còn đẹp và một cuốn cũ nát vì có nhiều góc nhìn khác nhau, mà chỉ muốn bạn đọc hãy lưu tâm hơn những cuốn sách mà mình đang có.
Tôi rất mê cách kể chuyện hoàn toàn bằng thoại của anh Hoàng Nguyễn bởi sự thông minh sắc sảo của lối ấy, nhưng vẫn thuyết phục chị Thắng Hoàng là người có cùng suy nghĩ với tôi về việc này, viết lại câu chuyện một chút để những ai không thạo lắm về “thú chơi sách” có thể nắm bắt được dễ dàng hơn và viết thêm một cái kết “thiếu nhỉ” hơn. Xin cám ơn hai anh chị đã vui vẻ đồng ý cùng tôi thực hiện cuốn sách này.
Tôi vốn không biết vẽ vời gì nhiều nhưng cũng cố gắng tô điểm cho cuốn sách một vài hình minh họa để bạn đọc có thêm hình dung. Rất mong sự rộng lượng của bạn đọc với những nét vẽ còn ngây ngô.
Người biên soạn Hà Nội 8/2019