Lễ hội Việt Nam (2 phần)
LỜI GIỚI THIỆU
Trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc – giải phóng dân tộc kéo dài gần 30 năm (1946-1975) hết sức khốc liệt do các thế lực xâm lược hung hăng nhất thời đại tiến hành, người nước ngoài sẽ tưởng như đất nước Việt Nam này chẳng còn gì ngoài những đống gạch vụn, sau ngày chiến thắng giành độc lập thống nhất tổ quốc 30-4-1975.
Thế nhưng những ngôi đình, chùa, đền, miếu, phủ, điện, nhà rông… rải rác khắp làng quê, bản, mường, buôn, sóc, suốt từ bắc chí nam vẫn bình thản tồn tại như để nói rằng truyền thống văn hóa Việt Nam, nền kiến trúc cổ truyền của dân tộc vẫn tồn tại và luôn phát huy sức mạnh tiềm ẩn trong đời sống hàng ngày.
Ở những công trình kiến trúc tôn giáo đó vào ngày rằm, mồng 1 hàng tháng, người ta vẫn khói hương tưởng nhớ thần linh vốn là những anh hùng lịch sử và văn hóa, hoặc những vị thần của núi, sông, rừng, biển… dường như vẫn lui tới đâu đó phù trợ cho cháu con; những người con của các dân tộc Việt Nam vẫn cần cù lao động và chỉ biết cần cù lao động để vun đắp cho tổ quốc ngày một cường thịnh hơn.
Ở những nơi đó vào mùa xuân và mùa thu, sức sống nông thôn lại trổi dậy mãnh liệt hơn, chào đón những ngày hội làng, hội mường, bản, buôn, sóc do nhân dân cử hành, hết sức tưng bừng, hoành tráng với những cờ quạt rực rỡ muôn màu trong đám rước thần linh.
…
…