Lịch sử Trung Quốc
LỜI NÓI ĐẦU
Trung Quốc là một quốc gia có lịch sử lâu đời, là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Do bối cảnh lịch sử và địa lí, lịch sử mấy nghìn năm của Việt Nam có nhiều mồi tương quan với lịch sử Trung Quốc. Vì vậy, từ lâu giới sử học nói riêng cũng như người Việt Nam nói chung rất quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử Trung Quốc, không những để biết lịch sử của nước láng giềng, mà quan trọng hơn là để giúp đỡ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử Việt Nam.
Những phát hiện khảo cổ học ở Việt Nam và Trung Quốc, nhất là tại miền Nam Trung Quốc, đã chứng minh rằng sự giao lưu giữa các dân tộc hiện cư trú trên lãnh thổ Việt Nam và các dân tộc hiện cư trú trên lãnh thổ miền Nam Trung Quốc đã tồn tại và phát triển từ thời tiền sử. Ngày nay, còn có nhiều dân tộc cùng cư trú trên cả hai bên biên giới.
Trong lịch sử Việt Nam, từ thế kỉ II tr.CN đến thế kỉ X là thời kì Bắc thuộc; tiếp đó là thời ki phong kiến độc lập tự chủ. Những thiết chế chính trị, tổ chức xã hội, triết lí nhân sinh, chữ Hán, thơ Đường v.v… của Trung Hoa đã được du nhập và để lại nhiều dấu ấn trong xã hội Việt Nam.
Từ giữa thế kỉ XIX, nhân dân hai nước Trung – Việt cùng chung cảnh ngộ bị chủ nghĩa đế quốc thực dân xâm lược và nô dịch, cùng chung con đường cách mạng dân tộc dân chủ. Từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, hai nước càng có nhiều điểm tương quan và tương đồng, nhất là trong giai đoạn cải cách, đổi mới, mở cửa, hiện đại hóa đất nước theo con đường XHCN.
Trong những năm 50 và nửa đầu những năm 60 của thế kỉ XX, ở Việt Nam đã xuất bản một số lượng tương đồi lớn những sách nghiên cứu, sách tham khảo và tư liệu về lịch sử Trung Quốc do tác giả Việt Nam biên soạn hoặc dịch từ các tác phẩm của tác giả Trung Quốc. Nhưng sau đó, do những biến động chính trị trong quan hệ hai nước, nên việc nghiên cứu và xuất bản sách báo nghiên cứu, tham khảo về lịch sử Trung Quốc bị hạn chế.
Từ đầu thập kỉ 90 vừa qua, quan hệ hai nước được bình thường hóa, nhu cầu nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc ngày càng nhiều, điều kiện nghiên cứu ngày càng được thuận lợi. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những công trình được xuất bản ở Việt Nam về lịch sử Trung Quốc, nhất là những sách tương đối có hệ thống về lịch sử từ thượng cổ đến đương đại, để làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và học tập môn Lịch sử chưa nhiều. Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn công trình này, chúng tôi đã cố gắng tiếp thu những thành tựu nghiên cứu mới nhất về lịch sử Trung Quốc của các học giả Trung Quốc và nước ngoài, nhằm phản ánh một cách khách quan, khoa học thực tế lịch sử Trung Quốc; quán triệt những quan điểm chính trị và ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, vì những lí do chủ quan và khách quan, sách không tránh khỏi những sai sót, các tác giả mong đợi những ý kiến đóng góp của bạn đọc xa gần, để khi có điều kiện tái bản, sách được sửa chữa, bổ sung hoàn thiện hơn.
Hà Nội, tháng 5 năm 2001
Các tác giả