VI. CẦU TỰ

XVI.— CẦU TỰ

Nhà nào hiếm muộn thì cầu tự. Cầu tự có nhiều cách: Người thì uống thuốc cho bổ khí huyết, người thì đổ cho tại đất tuyệt đinh, nhờ thầy địa-lý dịch mả, người thì đi lễ bái chùa này miếu nọ để cầu Phật, Thánh độ cho có con.

Về tháng giêng, tháng hai, vợ chồng thiên hạ thường dắt díu nhau vào lễ chùa Hương-Tích (thuộc phủ Mỹ-Đức tỉnh Hà-đông) cầu tự. Trong chùa có một hang đá, thạch nhũ mọc lổm chổm hai bên, tục gọi là núi Cô, núi Cậu. Các người cầu tự đem vàng hương oản quả lễ trong chùa, rồi thì đem quà bánh đến chỗ hang thạch nhũ ấy, coi hòn nào thích mắt thì xoa tay vào đầu mà khấn: Cậu về ở với vợ chồng nhà tôi nhé. Ai nhiều con trai rồi muốn cầu con gái thì sang dãy núi Cô, cũng nói như vậy. Khấn xong, lúc trở ra về, ăn thì thêm bát thêm đũa, đi đò thì trả thêm một suất tiền cho người lái đò, làm như đã có một người đi theo vậy.

Nếu về nhà mà sau vợ có mang sinh con thì mỗi năm phải đem con về chùa lễ tạ ơn Phật.

​Có người về lễ đền Kiếp-Bạc (đền thờ ông Trần-Hưng-Đạo, thuộc tỉnh Hải-dương) cầu tự. Hạng người này thì phần nhiều là người sinh con khó nuôi, cho là có tiền oan nghiệp-chướng, cho nên đến lễ bái trừ tà thì về sau đẻ con mới nuôi được.

*

* *

Xét cái tục cầu tự của ta, cũng bởi tin sự quỉ thần mà ra. Tục này từ thượng cổ đã có, như vua Đế-Cốc cầu tự ở đền Cao-Môi mà sinh ra ông Hậu-Tắc, ông Thúc-Lương-Ngột cầu tự ở núi Ni-Sơn mà sinh ra Đức Khổng-Tử. Nhưng thiết tưởng toàn là do bụng tin tưởng mà ra, chớ không có lẽ gì cho đích-đáng tin được.

Cứ lấy sự hiển nhiên mà nói thì người không có con hay là đẻ con mà không nuôi được, hoặc là vì người đàn ông hay đàn bà có tật bệnh gì, hoặc là vì đẻ con ra, tiên thiên suy nhược khó nuôi, hay là nuôi trái phép vệ sinh thì không nuôi được. Còn như người chỉ sinh con gái mà không sinh con trai, cũng bởi có một lẽ riêng nào đó, quyết không có thần thánh nào chủ trương về việc sinh con đẻ cái gì đâu.

Có người nói rằng: sự cầu tự cũng nhiều khi linh nghiệm, xem như các người vợ chồng đã ngoài bốn mươi tuổi chưa có con, đi cầu tự rồi mới có, mà cũng nhiều khi người con ấy làm nên thế này thế khác, nếu không nghiệm thì sao thế được.

Thiết tưởng sự ấy cũng là sự ngẫu nhiên, dẫu chẳng cầu đâu cũng có. Vả lại muôn sự thường hay nên ở ​lòng người tin tưởng. Cái bụng người ta đã tin mê ở điều gì thì lại hay cố sức làm cho điều ấy phải nghiệm, vậy thì lại có một lẽ chắc được, chớ cũng không phải có chi lạ hết.

Còn như con hay con dở, là bởi ở cách dạy dỗ, con thọ con yểu, bởi ở cách dưỡng sinh, không nên cho là con Trời, con Phật mà nhảm quá.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.