Lí do mất chức của Nguyễn Hữu Dật tháng 6 năm 1623, được sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2) chép lại như sau:
“Quý Hợi, năm thứ 10 (tức năm 1623 – ND), mùa Hạ, tháng 6. Trịnh Tùng nhà Lê bệnh nặng, con thứ của Tùng là Xuân nổi loạn, phóng lửa đốt cháy Đông Đô (tức Hà Nội – ND), bức bách Tùng phải chạy đến quán Thanh Xuân ở huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Tây – ND) và Tùng đã chết dọc đường. Con trưởng của Tùng là Tráng lên nối ngôi, lập vợ là Ngọc Tú làm Tây cung. Chúa (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên – ND) nghe tin Tùng chết, nói với các tướng rằng:
– Tùng là kẻ không biết có vua, Xuân là kẻ không biết có cha, mới hay, đạo trời báo ứng thật chẳng sai bao giờ. Nói rồi, sai bắn ba phát súng và kêu ba tiếng. Văn chức là Nguyễn Hữu Dật bước ra khỏi ban và thưa:
– Trịnh Tùng thì đã chết, con nó mới được lập lên, nay Chúa muốn đánh thì đánh, muốn giữ thì giữ, cớ sao lại cho nổ súng và kêu to lên như thế ?
Chúa cười và nói rằng:
– Hữu Dật tuổi trẻ cậy ở sự hung hăng, chưa rõ lẽ gì cả. Nhân đó, Chúa cho Dật về, bảo cha của Dật là (Nguyễn) Triều Văn dạy bảo.
(Nguyễn) Triều Văn là người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay thuộc Thanh Hóa – ND), bấy giờ đang giữ chức Tham tướng. Hữu Dật lúc ấy 16 tuổi, vì có văn học mà được bổ làm văn chức. Chúa nói với các tướng rằng:
– Ta muốn nhân cơ hội này mà nổi nghĩa binh phò vua Lê, nhưng, đánh người trong lúc có tang là bất nhân, tấn công người thừa lúc người lâm nguy là bất võ. Huống chi, ta cùng họ Trịnh vốn có nghĩa thông gia, cho nên chi bằng, trước hãy đem lễ đến phúng để dò xét tình hình rồi sau hãy liệu kế.
Các tướng ai cũng bái phục. Chúa bèn sai sứ đi phúng điếu”.
Lời bàn:
Đối phương lâm nạn, trong thì đạo cha con tan tành ngoài thì nghĩa chúa tôi sụp đổ, ấy là chưa kể dư đảng của họ Mạc vẫn còn rất đáng gờm, bảo chúa Nguyễn không cả mừng làm sao được? Song, thế của chúa Nguyễn chưa đủ mạnh, lực của chúa Nguyễn chưa đủ lớn, kí tải niềm vui vô bờ ở ba phát súng và ba tiếng thét giữa trời là chí phải, bảo chúa Nguyễn làm khác đi mà được sao ? Nguyễn Hữu Dật quả là trẻ người non dạ, thẳng thắn mà chưa đủ sâu sắc, có chí khí của con nhà tướng mà chưa đủ mưu lược của người cầm quân, bị gởi trả về cho cha dạy thêm cũng là chí phải. Lời chúa Nguyễn Phúc Nguyên là lời nhân nghĩa chăng? Cứ chữ mà suy thì quả là Nguyễn Phúc Nguyên hết sức khôn khéo. Ở đời, biết che kín sở đoản của mình cũng là thông minh. Các tướng ai cũng bái phục Chúa, ngẫm cho kĩ thì thấy… đó cũng là thông minh. Giữa những người thông minh ngầm hiểu ý nhau, thì người thông minh trẻ tuổi lại bộc trực một cách thái quá như Nguyễn Hữu Dật, tạm thôi làm quan trong ba năm, nào có gì lạ đâu!
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)