Vì sao Trịnh Lịch và Trịnh Sầm bị giết?


Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 31, tờ 30) cho biết:

“Tráng lấy cớ rằng, việc xét xử sao cho trôi chảy, ngăn chặn và nã bắt kịp thời bọn trộm cướp; chính là giềng mối của nước nhà, vì thế, bổ dụng các con như sau:

 – Thái úy, Tây Quận công là Trịnh Tạc: trấn thủ Sơn Nam.
 – Thái bảo, Phù Quận công là Trịnh Lịch : trấn thủ Sơn Tây.
 – Quỳnh Nham công là Trịnh Lệ : trấn thủ Kinh Bắc.
 – Thiếu úy, Hoa Quận công là Trịnh Sầm: trấn thủ Hải Dương.

(Trịnh Tráng) lại còn ra lệnh cho quan Thái thường tự khanh là Phạm Công Trứ, quan Binh bộ Hữu thị lang là Nguyễn Trừng, quan Công bộ Hữu thị lang là Nguyễn Bính, quan Hộ khoa Cấp sự trung là Nguyễn Nhân Trứ… cùng sung chức Tán lí ở bốn trấn. Nhiệm vụ của các quan nói trên là sửa chữa hoặc thay đổi những chính lệnh thối nát, vỗ về và an ủi nhân dân các địa phương”.

Trong số các con nói trên của Trịnh Tráng, thì Trịnh Tạc là con trưởng, lại thêm có chút công lao trong cuộc ác chiến lần thứ ba với họ Nguyễn, cho nên, quyền uy ngày một lớn thêm. Tháng 4 năm Ất Dậu (1645), Trịnh Tạc được tấn phong tới chức Tả tướng Tiết chế Thủy Bộ Chư Dinh, được mở phủ đệ riêng, cho lấy tên là Khiêm Định. Trịnh Tráng tuy vẫn ở ngôi chúa, nhưng quyền bính trong nước đều ủy thác cho Trịnh Tạc lo liệu. Hi vọng chiếm đoạt ngôi chúa của Trịnh Lịch và Trịnh Sầm tiêu tan, bởi vậy, họ liền nổi loạn. Sự việc này xảy ra vào năm 1645 và cũng được sách trên (quyển 32, tờ 2) ghi lại như sau:

“Đến đây, Trịnh Tạc được tiến phong làm Thái úy, giữ chính quyền trong nước, khiến bọn (Trịnh) Lịch và (Trịnh) Sâm mất hết hi vọng, bèn cất quân nổi loạn. (Trịnh) Tráng sai (Trịnh) Tạc đem quân đi đánh, bắt được Trịnh Lịch, còn Trịnh Sầm thì bỏ chạy vào Ninh Giang. (Trịnh) Tráng sai Thái bảo là Trịnh Trượng đuổi, đến Chúc Sơn thì bắt được, giải về kinh đô. Bọn Lịch và Sầm đều bị giết chết”. Chép đến đây, các tác giả của sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã hạ bút viết lời phê như sau: “Gia đình bọn bầy tôi phản nghịch bao giờ cũng sinh ra những đứa con phản nghịch. Có thể nói rằng, họ Trịnh là dòng họ đời nọ thừa kế ác nghiệp của đời kia”.

 

Lời bàn:

Trịnh Tráng không tin trăm họ yên bề chịu đựng nên mới chia con đi trấn giữ các nơi, thế là chí phải. Con người ấy đang ngồi trên đống lửa và cũng công khai thừa nhận rằng mình đang ngồi trên đống lửa, chứ chẳng hề màu mè bảo rằng mình đang ngồi trên nhung lụa mát mẻ và êm ái.

Tiếc thay, Trịnh Tráng đã trao niềm tin sai địa chỉ, đến nỗi, chỉ chút xíu nữa là ngậm hờn nuốt tủi mà về với suối vàng. Cứ theo sử cũ mà lần, thì đời ông của Trịnh Tráng là Trịnh Kiểm đã tranh đoạt chức quyền của em vợ, đời cha của Trịnh Tráng là Trịnh Tùng đã tranh đoạt chức quyền của anh là Trịnh Cối, vậy thì đời con của Trịnh Tráng là Trịnh Lịch, Trịnh Sầm… có tranh đoạt chức quyền với anh là Trịnh Tạc, thì cũng là… huyết thống di truyền đó thôi.

Các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục rõ ràng là không hề sai khi viết lời nghiêm phê như đã trích dịch ở trên. Trịnh Lịch và Trịnh Sầm bị giết vì can tội phản nghịch chăng? Quả có vậy thật, nhưng suy cho cùng thì người tạo ra hình hài và người tạo ra nhân cách cho họ cũng đều là Trịnh Tráng đó thôi. Cứ ngẫm mà xem!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.