BẢN ĐỒ DẪN QUA CUỘC NAM TIẾN CỦA DÂN TỘC VIỆT-NAM
(Bài viết từ năm 1941 nên nhiều địa danh đã không còn phù hợp, nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng trích dẫn nguyên văn để thể hiện sự tôn trọng đến tác giả)
1) Năm 1067, vua Lý Thánh Tông đánh nước Lâm Ấp. Chế Củ bị bắt xin dâng 3 châu để chuộc tội, là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính, gồm cả quận Nhật Nam tức là Quảng Bình, Quảng Trị bây giờ.
2) Năm 1307, vua Trần Anh Tông nhận 2 châu Ô và Lý của Chế Mân dâng làm lễ cưới Huyền Trân công chúa, bèn đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu, tức tỉnh Thừa Thiên bây giờ.
3) Năm 1402, Hồ Quý Ly sai Đỗ Mẫn đánh nước Chiêm Thành. Vua nước ấy là Ba Đích dâng đất Chiêm Động (phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Quý Ly lại bắt phải dâng đất Cổ Lũy, gồm lại đặt thành 4 châu, tức phía bắc đất Quảng Ngãi bây giờ.
4) Nam 1470, vua Lê Thánh Tông đánh Trà Toàn ở thành Đồ Bàn (Vijaya) và cửa Thị Nại (tỉnh Bình Định), gồm cả Đồ Bàn, Đai Chiêm và Cổ Lũy, lập thêm đạo Quảng Nam.
5) Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng đánh Chiêm Thành, lấy đất lập ra phủ Phú Yên, có 2 huyện Đồng Xuân và Tuyên Hóa (phía nam tỉnh Bình Định bây giờ).
6) Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đánh Chiêm Thành, lấy tỉnh “Kauthara”, tức tỉnh Khánh Hòa bây giờ.
7) Năm 1697, chúa Nguyễn Phúc Chu đánh lấy đất Phan Rang và Phan Lý, gồm hai phủ Yên Phúc và Hòa Đa. Thế là nước Chiêm Thành từ đó mất hẳn!
8 ) Nước Qua Oa ngày trước (Biên Hòa, Bình Thuận bây giờ) nhập vào bản đồ Việt Nam năm 1759 đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trước gọi là Thủy Xá và Hỏa Xá, thuộc xứ Thủy Chân Lạp.
9) Nước Tam Phật Tề ngày trước cũng bị thôn tính vào hồi chúa Nguyễn Phúc Khoát (vào khoảng mấy tỉnh Tân An, Mỹ Tho và Bến Tre bây giờ).
10) Nước Mãn Thích Da ngày trước cũng chung một số phận như 2 nước trên, vào hồi nước Việt Nam thôn tính xứ Thủy Chân Lạp (tức là một dải sông vào khoảng mấy tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Sa Đéc bây giờ).
11) Xứ Thủy Chân Lạp bị thôn tính vào khoảng năm 1759, sau lập ra 6 tỉnh Nam kỳ, do võ công chiến thắng của các đời chúa Nguyễn.
——
– Nguồn sách: Trần Huy Bá (1941). “Việt Nam xưa đã thôn tính mấy nước?”. Tri Tân Tạp chí, số 15, tr. 3-5.
******
Nguồn bài: FB Đông Quách Tiên Sinh