Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 55 a-b và tờ 56 a-b) chép như sau:
” Ngày 27 (tháng 7 năm 1442 – ND), Vua tuần du về phía Đông, đến thành Chí Linh (Hải Dương – ND) để thân duyệt quân đội. Nguyễn Trãi (lúc này đã nghỉ hưu ở Côn Sơn, Hải Dương) mời Vua về ngự ở chùa Côn Sơn (tức chùa Tư Quốc cũ, do thiền sư Pháp Loa, người đời Trần dựng lên – ND). Chùa này nằm trong làng của Nguyễn Trãi. Vua đi thuyền từ bến Đông, vào sông Thiên Đức, đến khu mộ Bạch Sư thuộc Cầu Bông, xã Đại Toán, huyện Quế Dương thì thuyền không đi được nữa. Quan quân lấy hết sức mà kéo, thuyền vẫn nằm yên, cứ y như có người đang níu thuyền lại. Vua bèn sai trung sứ đi hỏi khắp các vị bô lão quanh vùng, xem đất này có vị thần nào không. Các vị bô lão thưa rằng:
– Xưa có người là Bạch Sư rất tinh thông pháp thuật. Khi mất chôn ở bờ sông, thường rất linh hiển, người xứ này vẫn tế thần long trọng lắm.
Trung sứ hỏi:
– Tế thần bằng gì?
Các vị bô lão trả lời:
– Tế bằng bê con.
Trung sứ về tâu vua, vua sai đem con bê con đến tế thần, tế xong thuyền ngự mới đi được.
Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến Lệ Chi Viên (tên nôm na là Trại Vải – ND) thuộc huyện Gia Định (nay thuộc Gia Lương, Hà Bắc – ND) thì bỗng nhiên bị bạo bệnh rồi mất.
Trước, vua vẫn thích vợ của quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi, tên là Nguyễn Thị Lộ đẹp người lại có tài năng văn chương, vua gọi vào cung, cho làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận. Khi tuần du miền Đông về, qua Lệ Chi Viên ( xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức), vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Các quan bí mật đưa linh cữu về. Ngày mồng 6 thì đến kinh sư, vào đến cung là nửa đêm, lúc ấy mới phát tang. Ai cũng nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”.
…”Ngày 16 (tháng 8 năm 1442 – ND), giết quan Hành khiển là Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước kia, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy làm thích, liền cợt nhả với thị. Nay, vua đi tuần miền Đông, lại ghé nhà Nguyễn Trãi chơi rồi sau mới bị bạo bệnh mà mất, cho nên, khép Nguyễn Trãi vào tội ấy”.
Chuyện này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 17, tờ 23) chép gọn hơn, nhưng lại có thêm một chi tiết cụ thể hơn về cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông.
” Trước, vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, đẹp người, hay chữ, Vua nghe tiếng, mời đến, phong làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận, nhân đó mà cợt nhả với Nguyễn Thị Lộ. Đến đây, Vua lại đi tuần du phía Đông, xa giá quay về đến Lệ Chi Viên (làng Đại Lại, huyện Gia Định) thì Vua mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm. Nhà vua mất. Trăm quan đều giấu kín việc này, lặng lẽ rước ngự giá về cung. Nửa đêm, vào đến cung mới phát tang. Người ta nói Thị Lộ giết vua, bèn bắt Thị Lộ”.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần