Lê Sát sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông người Lam Sơn, từng theo Lê Lợi nổi dậy đánh đuổi quân Minh ngay từ khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mới bùng nổ. Lê Sát là người lập công lớn trong trận Quan Du (Thanh Hoá) năm 1420, trận Khả Lưu (Nghệ An) năm 1424, và đặc biệt là trận Xương Giang (Hà Giang) năm 1427.
Khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, ông được phong là Suy trung tán trị hiệp trung mưu Quốc công thần, Nhập nội kiểm hiệu tư khấu, Bình chương quân quốc trọng sự. Đến năm 1429, khi triều đình cho khắc biển ghi tên 93 vị khai quốc công thần, tên ông được xếp ở hàng thứ hai, tước hiệu là Huyện thượng Hầu. Năm 1433, Lê Sát được phong là Dương vũ tĩnh nạn công thần, chức Đại tư đồ, chịu cố mệnh của Lê Thái Tổ mà phò tá Lê Thái Tông.
Bình sinh Lê Sát là tướng có tài, quyết đoán nhanh, nhưng là võ tướng ít chữ nghĩa, phép xử sự của ông thường thiếu tế nhị, cho nên lắm kẻ ghen ghét ông. Có lẽ đó chính là lý do sâu xa dẫn đến vụ án Lê Sát năm Đinh Tị (1437). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11) đã có 1 vài đoạn chép về ông như sau:
” Bấy giờ, tuổi Vua đã tương đối lớn, đã có thể xét đoán mọi việc một cách sáng suốt, nhưng Lê Sát vẫn tham quyền cố vị, cho nên Vua rất ghét Sát. Ngoài mặt, Vua vẫn tỏ ra điềm nhiên nên Sát không biết sự ghét bỏ này. Đến đây (tháng 6 năm Đinh Tị – 1437 – ND), Vua bàn với những người hầu cận, cho rằng: thân thích Sát chỉ có bọn Lê E và Lê Hiệu, còn hiềm khích với Sát thì có bọn Trịnh Khả. Bàn xong bèn cho bọn Lê E và Lê Hiệu ra ngoài (cung đình, nhận chức ở xa) và giao cấm binh cho Trịnh Khả coi giữ. Sát xin Vua cho giữ Lê Hiệu lại, tâu rằng:
– Nếu Khả được hầu trong cung thì sợ thần nguy mất.
Vua (không trả lời, lặng lẽ) trở vào cung. Ngày hôm sau, Vua sai người báo cho Đinh Cảnh An rằng:
– Đại tư đồ được ta cho thăng chức mà không nhận. Ta lại muốn dùng Lê Văn An làm Hải Tây đạo đồng Đô đốc tổng quân mà Sát lại ngăn trở.
Đinh Cảnh An, Nguyễn Vĩnh Tích bèn nhân đó mà hặc tội rằng:
– Lê Sát quen thói chuyên quyền, tội ấy khó lòng dung tha.
Tờ tâu (của bọn Đinh Cảnh An, Nguyễn Vĩnh Tích) đưa lên, Vua trao cho hình quan xét hỏi, Sát cởi mũ tâu Vua rằng:
– Nếu ngày nay mà thần bị khép vào tội chuyên quyền, thì chẳng phải tội cuả thần là do tiên đế sắp đặt mà ra đó sao.
Lúc ấy, bọn Lê Văn Linh và Lê Ngân đều cố sức gỡ tội cho Sát nhưng Vua không nghe” (tờ 40-b và 41-a)
” Vua xuống chiếu rằng: Lê Sát chuyên quyền, nắm giữ việc nước, ghét người tài, giết Nhân Chú để ra oai, truất Trịnh Khả để mong người phục, bãi chức của Ư Đài hòng bịt miệng bá quan, đuổi Cầm Hồ ra biên ải để ngăn lời ngôn quan … Mọi việc hắn làm đều trái với đạo làm tôi. Nay ta muốn khép hắn vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng hắn là viên cố mệnh đại thần, từng có công với xã tắc nên được đặc cách khoan thứ, nhưng phải tước bỏ hết quan chức” (tờ 41-b).
” Cho Lê Sát được tự tử tại nhà. (Vua) xuống chiếu rằng: Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, liều chết để hại các bậc trung thần lương tướng, mưu kế thật xảo quyệt, ý định gian phi đã quá rõ, lẽ ra phải đem chém để rao.
Bọn Lê Ngân và Bùi Cầm Hồ cùng tâu rằng:
– Tội Sát đáng chết, nhưng Sát từng là đại thần nếu đem xác đi rao thì sợ để tiếng chê cười cho mai sau.
(Vua nghe), bèn cho được chết ở nhà. Vợ con và điền sản nhà Sát đều bị tịch thu. (Vua) sai đem đồ đạc nhà Sát ban cho các quan”. (tờ 43-a)
Lời bàn:
Lê Sát một thời xông pha đánh Nam dẹp Bắc, nguy hiểm đến tận cùng mà vẫn toàn được tính mạng, lại còn lập được công to, nếu không phải là người thực tài thật khó mà được vậy. Thế nhưng, giữa thời thái bình thịnh vượng, Lê Sát lại chết tức tưởi vì lời gièm pha, đành Lê Sát cũng có chút lỗi của ông, nhưng nếu phép nước được công minh, có lẽ ông không phải chết như thế. Bấy giờ, ai cũng nhân danh phép nước, nhân danh chiếu chỉ của nhà vua, có biết đâu, chính vua cũng bị hậu cung giằng xé. Quyền bính hậu cung hầu như nằm hết trong tay Nguyễn Thị Anh, các bà hoàng đều lần lượt bị bà Nguyễn Thị Anh tìm kế hãm hại. Lê Sát là thân sinh của bà Lê Thị Ngọc Dao. Nguyễn Thị Anh muốn hãm hại bà Ngọc Dao, tất trước phải hãm hại thân sinh của bà là Lê Sát. Sau này cũng vì muốn hãm hại bà Ngô Thị Ngọc Dao, bà Nguyễn Thị Anh đã tìm mưu hãm hại Nguyễn Trãi là người đã cưu mang bà Ngô Thị Ngọc Dao đó thôi.
Hại người tất sẽ bị người hại. Sau, Nguyễn Thị Anh bị Lê Nghi Dân giết. Mới hay các gốc của vụ án Lê Sát lại nằm ngay trong hậu cugn bí hiểm này.