Chuyện thứ nhất kể rằng, một lần, vua Trần Minh Tông muốn thử lòng dạ Hiệu Khả, liền lấy ra hai cái tráp đựng quần áo, sai Hiệu Khả xếp loại tốt, xấu. Hiệu Khả chưa làm, Vua đã nói:
– Một cái thì do chính tay Thái Thượng hoàng tự làm, một cái do Nội nhân Lê Kế làm. Ta thấy cả hai đều tinh xảo, ngươi nói cái nào khéo hơn.
Hiệu Khả xem đi xem lại một lúc lâu rồi nói giọng úp mở theo kiểu nước đôi rằng:
– Chúa thượng có cái khéo của chúa thượng, bề tôi cũng có cái khéo của bề tôi.
Vua Trần Minh Tông nghe xong liền phì cười.
Chuyện thứ hai kể rằng, có lần, Hiệu Khả ca ngợi vua Trần Minh Tông giỏi hơn vua cha là Trần Anh Tông (1293 – 1314). Vua biết Hiệu Khả là kẻ bất hiếu, muốn cho Hiệu Khả một bài học, bèn nghiêm sắc mặt, ngăn không cho Hiệu Khả nói tiếp, rồi phán rằng:
– Ai mà khen người khác giỏi hơn cha họ thì người ấy hẳn là bất hiếu với cha mẹ mình.
Lời bàn:
Nếu phỗng đá mà biết nghe thì nghe xong chuyện thứ nhất, phỗng cũng phải phì cười, nhưng là cười khẩy chớ không phải là cười suông như vua Trần; nghe xong chuyện thứ hai, phỗng cũng phải chảy nước mắt, nhưng không phải vì buồn mà là vì thẹn. Sử cũ nói Hiệu Khả là kẻ lòng dạ trí trá, kể cũng chí lí lắm thay. Người xưa nói, làm con bất hiếu thì làm bạn tất sẽ bất nghĩa, làm tôi tất sẽ bất trung. Ai dám bảo lời ấy là ngoa!
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần