XIV.— LỆ KHAO VỌNG
Người thi đỗ hoặc văn hay võ, người được bổ làm quan, người được phẩm hàm, người làm chánh phó tổng, người lên hạng bô lão và người ra làm lý dịch, đều phải khao vọng.
Lệ khao vọng, bực khoa trường chức sắc, trước hết phải nói qua với tiên thứ chỉ kỳ mục, đương thứ lý dịch, định đến ngày nào làm lễ, phải cho người ta biết trước. Hạng bô lão lý dịch thì phải kiếm chè lá trầu cau trình với tiên thứ chỉ kỳ mục, lý dịch rồi mới được khao.
Khi khao, dùng lễ trâu bò lợn, rượu, trầu cau, xôi bánh đem ra đình lễ thần, rồi thì biếu làng, dân làng ăn uống chia với nhau thế nào mặc lòng, đoạn lại phải sửa rượu riêng mời làng về nhà uống rượu.
Cỗ khao nhiều nơi dùng lệ nặng, phải có bánh dầy, bánh chưng và các thứ bánh làm đầu phần. Dân làng ăn xong đâu về đấy, lại thường có một tiệc riêng đê khoản đãi bọn chức sắc, kỳ mục, lý dịch. Bọn này ở lại chơi đêm, bày ra các cách chơi bài, nào là tổ tôm tài bàn, có khi lại nào là thuốc phiện cháo gà, nào là hát ả đầu, v.v…
Nhiều nhà nhân dịp khao mà ăn mừng luôn thể, hoặc dở ra hát chèo hát bội, mời khách mời khứa ăn uống có khi đến ba, bốn ngày.
Hễ đủ lệ khao vọng rồi thì mới dự ngôi thứ. Nếu chưa khao thì chưa được gì. Mà động đến đám ăn uống nào người ta hay chỉ trích đến. Có người nghèo kiết may được chút danh phận mà không có tiền khao thì cả đời không dám ra đến đình đám.
Lệ khao vọng này nhiều nơi nặng lắm. Mà dân tình thì nhiều nơi chỉ thích sự ăn uống, nhiều người muốn bỏ đi cũng không được. Theo ra thì tốn tiền hại của, mà không theo thì kẻ trách người chê. Cho nên cũng nhiều người chẳng quản gì mấy lời chê bai của những kẻ hèn hạ mà bỏ phắt đi không thiết gì đến.
Xét cái lệ khao vọng, nhà vua cũng đã có đặt lệ giản tiện cho người ta dễ theo. Đại để như đỗ tú tài thì khao một con gà, một đĩa xôi và ba quan tiền, đỗ cử nhân thì khao một con lợn, một mâm xôi và năm quan tiền, v.v… Nhưng ngặt vì tục dân đã quen, chiếu lệ ra mà làm thì họ cũng phải chịu, nhưng tình ý không được thỏa hiệp, họ sinh ra lắm sự ngăn trở cho mình. Họ có câu rằng: phép vua thua lệ làng, thực ra một lời đáng khinh bỉ.
Lại có một câu nữa rất nực cười là câu: vô vọng bất thành quan. Cứ như câu ấy thì ra có xôi thịt cho họ ăn thì họ tôn kính, mà kém xôi thịt thì họ coi thường. Vậy thì họ chỉ vì miếng ăn mà đổi lòng khinh trọng, sao mà kiến thức họ đê tiện hèn hạ làm vậy?
Lại ngán nỗi cho hạng kỳ mục, động ai có việc gì mời mọc đến, ăn uống no say rồi thì dở ra cách chơi bời, thuốc phiện hút khói um nhà, bài bạc đùa cười rầm rĩ, ấy thế là thỏa thuê, ấy thế là hể hả. Giá đám nào kém thì đã thấy lắm kẻ hậm hà hậm hực, tiếng nọ tiếng kia làm cho người ta khó chịu.
Than ôi! ngoài chốn hương thôn không còn biết trời đất là đâu, ngoài sự ăn uống không còn có sự nghiệp gì, như thế thì trách làm sao mà dân chẳng hèn, nước chẳng nhược?
Ai là người kiến thức, xin mau mau mà cải lương đi mới được.