XLIV.— HÁT Ả ĐÀO
Ả đào tức là bọn ca nhi vũ nữ, tập nghề ca vũ từ thuở nhỏ, chừng mười bảy mười tám tuổi đã đi hát được.
Bọn ả đào nhà quê thường đi hát về các nơi đình đám. Bọn ấy có lệ giữ cửa đình, hễ đến mùa các nơi dân xã hội hè, thì bọn nào hát cửa đình bọn ấy. Mỗi khi đi hát, kéo nhau từng bọn từ già chí trẻ, cả đào lẫn kép, đến hàng hai mươi, ba mươi người.
Hết vụ hát thì lại về nhà quê cày bừa làm ăn. Còn ả nào có nhan sắc hoặc hát giỏi thì ra các phố xá mở nhà hát chiêu khách.
Các bậc hào hoa văn nhã, lấy cách chơi ả đào làm cách chơi thanh lịch. Hoặc gọi dăm ba ả về nhà hát chơi, hoặc dắt bảy, tám cô dạo thuyền chơi cảnh, hoặc đến chơi tại nhà ả đào. Trong cách chơi cốt nhất là được người tiếng tốt, hát giỏi, ca đủ giọng, câu miễu, câu thổng, nói, hát, xẩm, ngâm thơ, đọc phú, kể chuyện, gửi thư, ca lý, ru hãm, hễ điệu nào cũng hát được mà êm tiếng ngọt giọng là hay. Hát phải có đàn có phách, đàn phách phải ăn theo tiếng hát. Lại cần nhất là người nghe hát phải biết đánh trống chầu. Đánh chầu có phép. Mới thoạt ngồi đánh luôn ba bốn hoặc năm, sáu tiếng, gọi là trống giục để giục. Đến lúc hát thì cứ chỗ nào dứt câu điểm một tiếng (bằng cắc trạc thùng) gọi là điểm câu. Ngoại giả chỗ nào câu văn hay, hoặc giọng lên xuống khéo thì điểm một tiếng hoặc hai, ba tiếng (cắc), nghĩa là tiếng khen. Có chỗ đánh luôn hai tiếng (thùng) rồi hạ một tiếng (cắc) thì gọi là tiếng hạ mã; có chỗ cắc một tiếng lại điểm hai, ba tiếng thùng thì gọi là tiếng thượng mã. Có chỗ đánh thùng cắc thùng gọi là xuyên tâm; có chỗ đánh luôn ba tiếng thùng rồi chêm một tiếng cắc, lại vớt theo một tiếng thùng, gọi là tiếng lạc nhạn. Nhưng cốt nhất phải thuộc khổ phách, phách mau thì trống mau, phách khoan thì trống khoan, mỗi khi dồn phách thì có mấy tiếng trống xếp, tiếng trống vừa dứt thì khổ phách cũng giỗ theo, thế mới là chầu hay.
Trong khi hát, quan viên ai thích nghe hát thì nghe, ai muốn tổ tôm tài bàn thì ả đảo ngồi chia bài, ai muốn thuốc phiện thì bắt ả đào ngồi tiêm thuốc.
Hát hỏng chơi bời xong thì đến cuộc rượu. Cuộc rượu đủ các thứ đồ xào nấu, ngũ trân bát vị. Trong khi ngồi uống rượu, một ả đào làm chủ tiệc rượu phải đứng dậy trước mời khắp quan viên một lượt mỗi người một thìa, quan viên uống rồi mỗi người mời trả lại một thìa. Kế đến các ả khác (người chạy mảnh) cũng vậy, mỗi người chạy vòng quanh chiếu rượu, trước mời người làm chủ cuộc hát, rồi mời khắp quan viên, quan viên cũng đáp lại mỗi người một thìa. Mời mọc đâu đấy thì mỗi quan viên phải có một ả đào hoặc hai, ba ả ngồi kèm đỡ bát đũa. Lúc uống rượu, quan viên ai muốn mời ai uống rượu nào thì nhờ ngay ả đào ngồi gần đó mời giùm người ấy uống rồi lại nhờ tay ả khác mời trả lại quan viên kia. Hoặc là quan viên ả đào mời lẫn nhau, mời thuận trả thuận, mời nghịch trả nghịch, có khi quàng vai bá cổ nhau mà mời, hoặc hôn nhau để tỏ lòng yêu mến.
Trong cách uống rượu, lại giở ra lắm cách để vui: hoặc cách truyền lửa, hoặc cách quay thìa. Truyền lửa là một người đốt một cái đóm tắt đi, rồi lần lượt truyền cái tàn đóm lẫn cho nhau, hễ đến ai mà cái tàn đóm tắt hết thì phải uống một thìa rượu. Quay thìa là để một cái thìa vào cái đĩa, quay tít đi một vài vòng, hễ cái chuôi thìa chỉ về ai thì người ấy phải uống một thìa. Lại còn cách khởi thuận là cứ thuận tay mà mời lần lượt nhau, khởi nghịch là theo chiều nghịch mà mời lẫn nhau, cách nhất là cứ cách một người thì lại mời một người. Ba người mời lẫn nhau gọi là rượu tam đa, năm người mời lẫn nhau gọi là rượu ngũ phúc. Ả đào ai có điều gì xấc xược thì quan viên lại phạt một vài thìa nữa.
Rượu nghe ngà ngà say cả, mới giở đến hát lý, hoặc xẩm, hoặc bộ, ai muốn nghe điệu nào thì bắt hát điệu ấy. Cuối cùng mỗi ả hãm một vài câu, quan viên ăn cháo là mãn tiệc. Đó là tiệc rượu to, còn một vài người đi chơi uống rượu suông nghe hát thì gọi là hát chay, hoặc không nghe hát, chỉ uống rượu ăn cháo, nghe vài câu lý, vài câu hãm thì gọi là tiệc xú dề.
*
* *
Trong cách chơi này có nhiều bậc. Có người bởi tính hào hoa phong nhã mà chơi, có người vì lòng buồn bã chán ngán mà chơi. Bọn ấy thì lấy tiếng đàn tiếng hát, câu văn chương, tiếng trống chầu làm vui thú, ngoài nữa thì lấy cái cười hoa cợt liễu, thìa rượu con bài làm cách giải buồn. Song chơi thì chơi, nhưng chơi một cách rất thanh nhã, mà lại có điều có độ cốt để di dưỡng tính tình khi nhàn nhã mà thôi.
Ngoại giả hạng ấy, kẻ thì vì đam mê sắc dục mà chơi, kẻ thì vì đua đả anh em mà chơi, kẻ thì vì dởm của mà chơi, kẻ thì vì quẩng mỡ mà chơi. Hạng này thì ít người hiểu được cái thú thanh nhã, chẳng qua chỉ ưa bề má phấn môi son, lấy cách quàng vai bá cổ, kề đùi kề vế làm vui, lấy lời ong bướm lả lơi, trăng hoa bỡn cợt làm thích. Mà chơi thì chẳng có điều độ nào, kẻ sẵn đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ để lại phá đi đã đành; kẻ nhờ có công việc làm ăn, trong tay nghe hơi có đồng tiền, đã tưởng ngay lên bộ mặt hào hoa phong nhã. Có kẻ còm cọm làm hàng tháng, lĩnh được dăm ba chục bạc, chỉ đổ vào một hai chầu hát là lại nhẵn như chùi, thậm chí bán cửa bán nhà, vay công lĩnh nợ để chơi cho thỏa thích một thời, mà sau phải ốm xác lo trả nợ.
Đó là cách chơi hoang đàng chẳng có lý thú gì, chỉ tổ hại của mà thôi.
Còn về phần ả đào là bọn đem thanh sắc mà bán cuộc vui cười cho người, cái thói đưa đà, cái giọng ỏn ẻn, cái tình khi mặn khi nhạt, chẳng qua đều vì đồng tiền, đó là một cái lối riêng của nhà nghề, chẳng nên trách làm chi bọn ấy.