XVI. ĐĂNG KHOA

XVI.— ĐĂNG KHOA

Thi đỗ tú tài gọi là tiểu khoa (nhà Lê gọi là sinh đồ); cử nhân gọi là trung khoa (nhà Lê là hương cống), phó bảng tiến sĩ gọi là đại khoa.

Phàm đăng khoa có lệ phải đón rước; đỗ tiểu khoa một làng đi rước, đỗ trung khoa một tổng đi rước, đỗ đại khoa một huyện phải đi rước.

Có nơi đỗ tú tài, chỉ có mấy người bà con họ hàng đi đón, hoặc là dân làng cắt cả lý dịch đem bốn, năm tên tuần phu cắp tay thước, thổi tù và ra tại đầu cổng làng đón về. Song nơi hiếm hoi văn học thì có khi cả tổng đón rước.

​Đỗ cử nhân thì quan sở tại sức về cho làng, hoặc lý dịch hỏi người đỗ, đính ước hôm nào ông tân khoa về làng thì cả làng hoặc cả tổng đem long đình và đồ nghi trượng sự thần đến tại chỗ tỉnh thành hoặc tại trường thi mà rước về.

Ông tân khoa đội mũ mặc áo của triều đình ban thưởng, cưỡi ngựa che lọng; có một vài đầy tớ điếu tráp đi hầu, thân thích họ hàng đều kéo đi đón, cờ mở trống dong, dân làng đàn bà trẻ con cho là vinh hiển lắm.

Đỗ phó bảng có nơi rước có nơi không rước.

Đỗ tiến sĩ, nhà vua ban cho áo mũ xiêm ủng, và ban cho cờ biển vinh qui. Cả hàng tổng hoặc nơi trọng văn học thì cả hàng tỉnh phải đem đồ nghi trượng sự thần đi rước.

Ông tân khoa tiến sĩ mặc áo thụng lam, cưỡi ngựa, che đôi lọng, cha mẹ, vợ và ông thầy dạy học mỗi người ngồi cái võng trần, che một lọng rước vinh qui về làng, thiên hạ kéo nhau đi xem, lại vinh hiển hơn cử nhân nhiều.

Từ tú tài cho chí tiến sĩ, dân làng đã rước về đến nhà thì phải giết trâu mổ bò, trước lễ thần, lễ văn chỉ, lễ gia từ rồi thì làm cỗ làm bàn khoản đãi dân làng khách khứa hát hổng ăn mừng đến năm, bảy ngày. Dân làng khách khứa, dùng trà cau tiền bạc, câu đối thơ, trướng đến mừng rất là náo nhiệt.

Có người nhà nghèo chưa lo được thì bà con thân thích giúp đỡ, hoặc đi vay đi mượn về mà lo. Có người ​chưa thể lo được thì để hoãn đến một vài tháng mới dám để dân làng đi rước. Có người sợ phiền phí thì trốn ở chỗ khác, không để rước sách gì nữa. Song hạng ấy về đến làng thì chưa được dự ngôi thứ gì.

*

* *

Đăng khoa là một vinh hạnh của hàng sĩ tử, mà làng nào có người đỗ cũng được dự phần vẻ vang với hàng tổng hàng mạc. Cho nên tục ta quý trọng cái sự đăng khoa lắm. Có người đang nghèo kiết, sờ chẳng ra, rà chẳng thấy mà đỗ lên được một tí thì đã kẻ vị người nể, động nói vay vào đâu cũng đắt. Lại nhất là người nào trẻ tuổi, vợ con chưa có, đỗ về làng, đã chán người dòm nom muốn gả con cho, có người lại các thêm cửa nhà tiền của để mua lấy tiếng bà nghè bà cống cho con. Song cũng nhiều người vì đỗ mà phải vay công lĩnh nợ, sĩ diện vẻ vang được một lúc, mà ôm xác lo trả nợ nửa đời người. Vậy thì cái tục quí trọng ấy tuy cũng có vinh hiển cho người, nhưng lại làm cực khổ cho người.

Vả lại trong khi rước sách, thiên hạ cho là vinh hiển, nhưng thiết tưởng người có kiến thức, thì nên lấy làm nực cười. Tuy rước sách là trọng mạng triều đình, chớ không trọng riêng của người tân khoa. Nhưng thử nhìn cái quang cảnh lúc cưỡi ngựa, che cái lọng đi vênh váo trong đám mấy đứa vác cờ đánh trống, khoe mặt với vài lũ trẻ con đàn bà, thì có thú vị gì, chắc có người lại lấy làm thẹn nữa chớ chẳng không. Thẹn là vì tài đức chẳng là bao mà nặng lòng trọng đãi của triều đình, thẹn vì học thức vị tất giỏi mà uổng lời khen ngợi của dân gian.

​Vì lẽ việc thi cử ít lâu nữa chắc rồi nhà nước cũng cải lương cách khác. Ấy là may cho người nước ta đỡ một việc phiền phí vô ích, mà cũng bỏ được một sự buồn cười.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.