XVII.— NUÔI NGHĨA TỬ
Người không có con, thường nuôi con nhà anh em hay là người ngoài làm nghĩa-tử. Nghĩa tử ấy cũng như con đẻ ra.
Cha mẹ nuôi con phải vun trồng dạy dỗ, con nuôi ở với cha mẹ, cũng phải kiếu kính phụng dưỡng, coi như cha mẹ đẻ, mai sau cũng được thừa hưởng gia tài.
Người phú quí có nhiều con rồi, thường cũng có nuôi nghĩa tử. Nghĩa tử này, một là vì người nuôi thương kẻ cơ hàn mà nuôi, hai là vì người muốn nương thân vào cửa quyền quí mà tình nguyện làm con nuôi. Những con nuôi ấy, có người ở hết lòng trung-nghĩa, như Quan Bình ở với Quan-Công, có người ở phản trắc bất nhân, như Lộc-Sơn ở với Đường-Minh-Hoàng.
Nhiều người nuôi con nuôi từ khi đứa trẻ còn thơ bé, hoặc vì cha mẹ nó mất sớm, thấy trẻ mồ côi mà nuôi, hoặc vì cha mẹ nó nghèo khó đem bán, người hiếm hoi thì nuôi cho nó đứng đầu đứng số. Đứa con ấy lớn lên, nhiều khi không nhớ đến bản thân phụ mẫu là đâu. Mà dẫu có nhớ cũng không có phép coi cha mẹ đẻ trọng hơn cha mẹ nuôi được, vì cha sinh không bằng mẹ dưỡng, nếu quên ơn người nuôi thì bất nghĩa.
*
* *
Ta trọng nhất là việc kế tự, nếu không có người kế tự cho mình, thì mình là người bất hiếu với tổ phụ. Cho nên không có con, thì phải nuôi, chủ ý là để mai sau có người giữ hương hỏa cho nhà mình.
Cứ cái bổn tâm đối với tổ tiên như thế thì cũng phải, nhưng xét cho kỹ thì cũng có điều nên bàn: Giá thử người bất hạnh mà không có con, nuôi được con anh em hoặc con nuôi đồng họ, để mà nối dõi tông đường, thì dẫu là con nuôi, nhưng cũng là huyết mạch trong nhà, chẳng có hại gì. Còn những người nuôi con người ngoài, mà thường lại yêu thương quí trọng hơn con anh em, thì tưởng cũng là không phải.
Về phần người con nuôi, người ta đã có công nuôi dạy dỗ mình như con, thì mình cũng phải nên mong mà đền báo cái ơn ấy, chớ đừng nên nghĩ người ta không phải là người sinh ra mình, mà ăn ở phụ bạc.
Còn như những người thấy người ta có quyền thế mà hạ cái mình quí báu để xin vào làm con nuôi người ta thì là một thói du mị nịnh đời, để cầu lấy các sự ước ao của mình, ấy là một cách rất đê tiện.