XVIII.— BẦU CỬ LÝ DỊCH
Trong làng khi nào khuyết lý trưởng hay là phó lý, hương trưởng, quan sức về cho dân làng phải bầu cử người khác, thì dân làng hội họp tại đình, kén chọn lấy một người có gia tư vật lực và là người biết chữ bầu cử ra làm việc. Tiên thứ chỉ, kỳ mục và các bô lão đều phải ký kết vào đơn bầu, rồi mấy người kỳ mục dẫn người mới được bầu ấy đem trình quan phủ huyện sở tại, quan sở tại bằng lòng thì bẩm lên quan trên, cấp bằng triện cho lý trưởng, hoặc phê chữ vào đơn dân bầu mà cấp cho phó lý hương trưởng làm bằng, từ đó thì người được bầu mới ra ứng hành công vụ.
Trước khi bầu cử, các nơi dân xã to, lắm ruộng nương nhiều bổng lộc thì người trong làng, hoặc vì tham lợi hoặc vì tham danh phận, thường đến năm ba người tranh nhau ra ứng cử, nhiều khi người có của phải lo lót với chức sắc, kỳ mục và quan trên, tốn kém một vài trăm bạc mới được bầu. Nhưng cũng nhiều nơi công việc nhiều sự khó khăn mà bổng lộc ít, thì không mấy người chịu ra làm. Có làng phải cắt lần lượt nhau ra mà làm việc, có làng phải xem chừng người nào làm nổi thì ép uổng, tả đơn bắt người ta phải làm.
Song thường thường thì làng nào cũng vậy, người muốn ra ứng bảo thì phải kiếm chè lá nói với chức sắc kỳ mục cho ai nấy bằng lòng, tốn độ dăm ba chục bạc thì dân làng mới ký kết bầu cho. Khi ký kết phải đem trầu mời dân làng ra đình, biện độ hai ba đồng bạc để chia cho các người ký đơn mỗi người vài xu, gọi là tiền ký điểm hay là tiền nhấp bút. Tả đơn xong thì mời dân làng về nhà uống rượu, gọi là bữa rượu tả đơn.
Ai được làm lý trưởng, phó lý lại phải lấy chữ hiệp cử chánh phó tổng, cũng phải biện tiền chè lá độ một vài đồng bạc hoặc năm sáu đồng bạc.
Hôm kỳ mục dẫn xuống quan trình diện, phải biện tiền phí tổn xe pháo và phải rượu chè khoản đãi. Vào quan cũng phải kiếm chè lá độ một vài đồng bạc, tùy quan tham liêm, hoặc nhiều hoặc ít thế nào cũng phải có mới xong. Đến lúc lĩnh được bằng, ít ra cũng tốn độ năm ba chục bạc, nhiều ra thì đến một vài trăm.
Ngoài sự lễ quan lại phải tiền giấy bút cho phòng bộ, tiền sai cử cho nha lệ, tiền cho học trò, cũng phải dăm ba đồng nữa mới được.
Sau khi lãnh được bằng rồi, chọn ngày lành tháng tốt đem trầu cau nói với dân làng, sửa lễ thủ lợn mâm xôi, đem ra đình lễ thánh, rồi mời dân làng về nhà uống rượu, tức là lễ khao. Hôm ấy uống rượu đâu đấy, người mới làm việc, điếu tráp chỉnh tề, suất bọn tuần phu kẻ tay thước, người sào gậy, rúc ốc, thổi tù và đi diễu từ đầu làng đến cuối làng một lượt gọi là xuất thần, nghĩa là trước mời dân sau cho tuần phu ăn uống một bữa để tuần phu biết mình là người làm việc, cho từ sau dễ sai khiến bọn ấy và xuất thần đi như thế để cho dân làng ai cũng biết mình là người đã ra cáng đáng công việc cho dân làng. Cho nên bữa rượu ấy gọi là bữa rượu xuất thần.
Tối hôm ấy phải mời chức sắc kỳ mục ở lại chơi hoặc hát hổng hoặc tổ tôm thuốc phiện, đêm phải một tiệc cháo gà nữa mới tan.
Dưới hạng lý trưởng, phó lý, hương trưởng thì là khán thủ, trương tuần, hương mục, thủ khoán, v.v… Hạng này tự dân làng bầu riêng với nhau, tuy không phải trình với quan, nhưng cũng phải đủ lễ chè lá với chức sắc kỳ mục trong làng, và cũng phải tả đơn xuất tuần như người chánh phó lý, mới được dự vào hàng chức dịch.
Còn như khi nào khuyết chánh phó tổng, quan sức bầu người khác thì cả kỳ mục trong hàng tổng phải hội bầu. Cách bầu chánh phó tổng thì phần lo khấn với quan nhiều, và phải nói với kỳ mục các làng, có khi tốn đến năm, bảy trăm, một nghìn mới xong. Được bằng rồi cũng phải khao vọng mời làng, mời hàng tổng ăn mừng ăn rỡ như người đăng khoa, người được bằng sắc.
Mấy năm nay, nhà nước đã cải cách việc bầu cử tổng lý. Bầu chánh phó tổng thì quan lên tại chỗ hội bầu làm chủ tọa, để các hạng chức sắc kỳ mục các làng bỏ phiếu kín mà bầu cử trong mấy người ra tình nguyện ứng bảo. Bầu chánh phó lý thì cho cả dân đinh nội tịch được bỏ phiếu, cũng như cách bầu chánh phó tổng. Hễ ai được nhiều phiếu hơn cả thì được làm.
Quan xét phiếu xong rồi, làm biên bản về nha làm giấy tư bẩm với quan trên rồi quan trên cấp triện cho người được bầu.
Dùng cách ấy thì giảm được sự phiền nhũng cho người ra ứng bảo và lại hợp với cách công bằng. Nhưng người được bầu rồi về nhà vẫn phải tuân theo lệ làng mới xong.
*
* *
Xét cách bầu cử tổng lý của ta khi xưa nhiều điều phiền nhiễu mà phần nhiều thì dùng cách tư tình, những người ra làm việc chẳng qua lại là con cháu họ hàng với những chức sắc kỳ mục. Trừ ra những làng lắm công việc khó khăn, không ai muốn làm không kể, còn về các làng tốt bổng, con cái nhà có thế lực tranh nhau mà ra, có mấy khi lọt vào tay người khác được. Vì thế lý dịch hay có đảng, mà nhất là hay a dua với hàng kỳ mục, để dễ cho sự thầm vụng của mình.
Vả lại tổng lý của ta, tiếng là thay mặt dân mà làm việc với quan, phần khó nhọc thì nhiều mà lương bổng thì không có. Chánh phó tổng chẳng qua cũng trông về dân làng, trông về việc phu phen đê điều, trông mấy đám đánh nhau, hoặc ăn trộm nhỏ nhặt, chúng nó đem nhau đến cậy phân xử, trông về mấy người làm việc của các làng lấy chữ hiệp cử, hoặc đôi khi tết nhất, họ có hảo tâm mà quĩ dị ít nhiều. Cái bổng nhỏ chẳng qua mươi lăm quả cau, một vài bao chè, hoặc đến năm ba đồng bạc, cái bổng lớn chẳng qua khoét được một vài chục cho chí một trăm bạc là cùng, mà khoét như thế thì khó quá, có xảo quyệt lắm mới được. Về phần lý trưởng trong làng, nhờ về cái mộc triện mà đôi khi kiếm được một vài bao chè, dăm ba đồng bạc, đám nào bán ruộng bán đất, bán cửa bán nhà thì may ra cũng được một vài chục bạc, còn thì phải trông đến dân. Dân làng nào hảo tâm thì mỗi năm cũng cấp cho lý trưởng được dăm bảy chục bạc, nhưng bạc ấy có đâu mà đưa, chẳng qua cho lý trưởng tự tiện lấy được ở món tiền công nào ra thì lấy, hoặc bán hoa lợi gì của làng hoặc bán trùm bán trưởng thế nào cho đủ thì thôi. Ngoài ra nữa thì trông vào những khi kỳ thần bái xã, những khi tu bổ làm sao cũng xẻo xén được ít nhiều. Còn như phó lý trưởng ăn chia tay với lý trưởng được ít nào thì được, không được thì thôi. Khán thủ, trương tuần khéo lắm mới xẻo xén được đám dân phu dăm ba đồng, dân xã nào có ruộng nương, có thóc lúa, thì mỗi vụ gặt công tuần phòng cũng được mươi lăm thúng thóc.
Cho nên người làm việc ở nơi tốt bổng thì còn khá, ở về nơi đồng trắng nước trong thì có khi phải bán cả nhà. Mà họ không bòn không khoét thì lấy đâu họ ăn mà họ làm việc cho làng. Cái thói của họ đục dân thì cũng đáng ghét mà cái tình họ thì cũng đáng thương. Vả họ tranh nhau ra làm vì họ muốn chiếm cái ngôi thứ lấy cái sĩ diện với dân thôn và muốn hưởng cái quyền lợi ăn uống về sau thì nhiều, chớ không mấy người cầu cái lợi trước mắt mà ra.
Cứ cái tình thế như vậy thì hàng tổng lý muốn cho công liêm khó lắm. Mà họ đã không công liêm thì thường sinh ra nhiễu dân và lại hay sinh ra kiện tụng lôi thôi, cũng là hại cho phong hóa.
Nhà nước cải lương cách bầu cử đã đỡ được một sự phiền của người làm việc, nhưng còn cách lương bổng của lý dịch, các làng muốn cải lương phong tục cũng nên trù nghĩ cách nào, để cho lý dịch có đủ ăn mà lo việc cho làng, như thế mới ngăn cấm được hết thói gian giảo của bọn họ, mà đỡ hại cho dân làng, và đỡ được khỏi kiện cáo nữa.
Còn như lệ làng bữa nọ bữa kia, ăn uống hát hổng, đã vô ích mà lại hại của cho người ta thì nên bỏ ráo.