XX. Y DƯỢC

XX.— Y DƯỢC

Ta trước đây chỉ dùng hai thứ thuốc: các vị của Tàu gọi là thuốc bắc, các vị của ta gọi là thuốc nam.

Thuốc nam cũng nhiều phương thần hiệu lắm. Như thuốc bó xương, thuốc rắn cắn, thuốc chó dại, v.v… nhiều khi ​chữa khỏi trông thấy. Chắc cũng còn nhiều phương thần hiệu nữa, nhưng ngặt vì tính người mình bí hiểm, ai có phương nào tuyệt hay thì chỉ để làm bài thuốc gia truyền mà kiếm lợi riêng một mình, chớ không ai làm ra sách vở hoặc truyền lại cho người khác. Người ấy mất thì bài thuốc cũng mất, cho nên không còn mấy bài hay để đến bây giờ.

Thuốc nam không có cách xem bệnh tinh vi bằng thuốc bắc, chỉ bệnh nào phát hiện ra ngoài thì cứ theo bài thuốc truyền tục mà chữa thôi. Ví như sốt rét thì uống nước lá ngâu, đi tả thì ăn lộc táo hoặc nấu nước lá ổi tàu, vỏ dừa mà uống; trẻ em đầy bụng thì giã lá xoan với con gián đất mà dịt vào rốn, đàn bà đẻ thì uống nước lá nhân trần, cao ích mẫu, v.v… Các bài ấy, chốn hương thôn dùng nhiều mà nhiều bệnh lại không phải thầy thuốc xem xét nữa; cách ấy là cách cẩu thả, các người cẩn thận không mấy khi dùng.

Người cẩn thận ưa dùng thuốc bắc nhiều. Thuốc bắc nguyên từ đời vua Hoàng-đế bên Tàu nếm các thứ cỏ cây mà chế ra, các vị thuốc có vị hàn vị nhiệt, có vị bình thường không nóng không lạnh, có vị ôn hòa. Làm thuốc biết bào chế rồi mới chữa được bệnh.

Về sau, các danh y như Hoa-đà, Biển-thước, v.v… mỗi ngày lại kê cứu thêm tinh vi, mà chế ra nhiều phương thuốc hay và soạn ra sách vở để lưu truyền về sau.

Bệnh chứng đại để chia ra làm hai căn nguyên: một là nội thương; hai là ngoại cảm. Nội thương là gốc bịnh ​tự trong phát ra hoặc vì huyết khí suy nhược, hoặc vì thất tình không được đều hòa, ăn uống chơi bời quá độ mà sinh bệnh; ngoại cảm là gốc bịnh ở ngoài nhiễm vào, hoặc nhiễm phải phong hàn thử thấp, hoặc lỡ ăn phải độc chất mà sinh bịnh.

Người chữa bệnh cũng chia làm hai môn, một môn nội khoa và một môn ngoại khoa. Môn nội khoa chuyên trị những bịnh đau yếu trong tạng phủ hoặc nhức đầu, đau mắt, sốt rét, ho lao, vân vân… Môn ngoại khoa chuyên trị những bịnh què, gãy, nhọt, ghẻ, vân vân…

Nội khoa phần nhiều là dùng thuốc chén, hoặc công, hoặc bổ, hoặc hạ, hoặc giải; ngoại khoa phần nhiều là dùng thuốc cao, thuốc lá để xoa bóp hoặc châm chích, cắt mổ mà trị bề ngoài.

Cách xem bịnh có bốn phép cốt yếu:

1.— Vọng (trông) là phải xem hình dung người bịnh, coi sắc người thế nào, hoặc xanh vàng, hoặc đen xám, rồi mới đoán được gốc bịnh.

2.— Văn (nghe) là nghe xem tiếng nói người có bịnh hoặc mê hoặc tỉnh hoặc trong hoặc đục để đoán bịnh nặng nhẹ dường nào.

3.— Vấn (hỏi) là hỏi người có bịnh hoặc gia nhân người có bịnh xem căn do bởi đâu mà thành bịnh, hoặc hỏi xem nóng lạnh thế nào và đã uống những thuốc gì để cho biết thêm đích xác.

4.— Thiết (bắt mạch) là xem mạch ở hai cổ tay, xét xem người bịnh đau tại đâu, hoặc hàn, hoặc nhiệt, hoặc hư, hoặc thực thế nào, rồi mới biết chắc được bịnh mà bốc thuốc.

Trong bốn cách: vọng, văn, vấn, thiết thì cách xem mạch là tinh vi hơn cả. Mạch, mỗi cổ tay có ba bộ thốn, quan, xích, mỗi bộ đều ứng nghiệm vào trong tạng phủ. Ví như cổ tay tả, bộ thốn thì thuộc tâm, bộ quan thì thuộc can, bộ xích thì thuộc thận âm. Cổ tay hữu, bộ thốn thuộc phế, bộ quan thuộc tỳ, bộ xích thuộc thận dương. Mà mỗi tạng lại kèm theo một phủ.

Mạch.— Sơ án đã thấy mạch gọi là phù, trọng án mới thấy mạch gọi là trầm, nhất tức tam tứ chí gọi là trì; nhất tức lục thất chí gọi là sác. Mạch bộ nào thì ứng vào tạng phủ bộ ấy, xét xem nổi chìm mau chậm thế nào thì mới đoán được trong tạng phủ thủy hỏa suy vượng khí huyết hư thực mà chữa bệnh.

Xem mạch phải về buổi sáng sớm, tinh thần còn an tĩnh thì xem mới được. Khi đã xét được đích bịnh còn ở đâu, bấy giờ mới lập phương bốc thuốc.

Nước ta theo dùng thuốc bắc đã lâu. Tự đời Hồ Hán Sương đã lập tòa y viện để chữa bệnh cho nhà vua. Đám quân thứ và các tỉnh cũng đặt ra quan điều hộ để chữa bịnh cho các quan và quân lính.

Về cuối đời nhà Lê, có ông Lê-hữu-Trác là người làng Hiệu Xá huyện Đường Hào (thuộc tỉnh Hải dương), học thức rộng, giỏi về nghề làm thuốc, có tiếng thánh ​y ở đời. Ông ấy có soạn ra một bộ sách thuốc, hai mươi sáu quyển, gọi là bộ Hải-thượng Lãn-ông truyền ở đời. Bộ sách tinh vi lắm, bây giờ các nhà làm thuốc theo dùng nhiều.

Thời Minh Mệnh lại có ông Trạch Viên là người Bắc Ninh, thời Tự Đức lại có ông Đỗ-văn-Tuyển là người Hưng-yên, cũng đều là tay danh y có tiếng trong nước.

Ít lâu nay, trong nước đâu đâu cũng có nhà thương, có những y-khoa chuyên môn Thái-tây coi việc chữa bệnh. Nhà nước lại mở ra trường Thái-y-viện để dạy người ta học cách làm thuốc theo lối Âu-châu. Ta cũng nhiều người học được cách hay, mà dân gian theo dùng thuốc tây cũng đã nhiều.

*

* *

Thuốc thang là một sự rất quan hệ cho việc vệ sinh, dù thuốc nam, dù thuốc bắc, người mới chế ra, mới đặt ra bài thuốc, chắc đã có kinh nghiệm rồi mới dám truyền cho đời sau, thì cũng không nên nhất thiết bài bác cho là không hay cả được.

Hiềm vì xưa kia nước ta không biết trọng việc vệ sinh, không biết trọng nghề làm thuốc. Thường cho nghề làm thuốc là một nghề nhỏ mọn, không mấy người lưu tâm về việc ấy. Nhà vua cũng không đặt ra khoa học thuốc, không có phép thi, không có chức lớn, không có cách nào cổ động cho lòng người. Cho nên những người thông minh tài trí còn đua ganh về nghề khác, mà không ​ai tưởng gì đến nghề này. Trừ ra chỗ Thái-y-viện coi riêng về việc thuốc thang nhà vua là một nơi rất cẩn trọng thì còn có quan Ngự y, có y sinh, còn có chuyên môn học tập một chút. Còn như chốn dân gian thì chỉ những người bất đắc chí trong đường khoa cử sĩ hoạn mới xoay ra xem sách thuốc để lấy nghề sinh nhai về sau. Ai xem hết dăm bảy bộ sách thuốc như bộ Cảnh nhạc, Phùng thị cẩm nang, Y tôn kim giám, Thạch thất, Hải thượng lãn-ông, v.v… thì làm thuốc cũng đã kha khá, ai có chí kê cứu nhiều và làm thuốc đã lịch duyệt lâu năm rồi thì thuốc men cũng chín chắn, mạch lạc mới phân minh. Song mấy người có chí, chẳng qua xem qua loa mấy bộ đã tự đắc là hay là giỏi, may ra chữa được một vài chứng bịnh nguy hiểm ngẫu nhiên mà khỏi, đã nổi tiếng là danh sư. Còn phần nhiều là người thiển học, xem vọc vạch mấy bài tân phương bát trận, hoặc mấy bài nghiệm phương tân biên, rồi cũng dám lên mặt ông lang, đi khắp chợ cùng quê để chữa bệnh cho thiên hạ. Mạch thấy nắm cũng nắm, mà có hiểu thế nào là mạch thực, mạch hư, bịnh thấy xem cũng xem, mà có hiểu thế nào là bịnh hàn bịnh nhiệt. Động xem đám nào cũng giảng qua một đôi lời: Bệnh kia chân hỏa nhược, bệnh nọ chân thủy suy, bệnh ấy nên bổ tỳ, bệnh khác nên bổ thận, v.v… Thuốc biết lập phương, biết gia giảm đã vào bực khá, chớ còn nhiều ông lang chỉ cứ bịnh nào phương ấy, đã có một cuốn sách trong tráp làm thầy.

Lại có một hạng thầy lang không cần phải đi xem bệnh cho ai, hễ người có bệnh cho người nhà đi lấy thuốc thì cứ hỏi từng câu mà bốc từng vị. Ví dụ hỏi có ho thì gia cam thảo, kiết cánh, hỏi không lợi tiểu tiện ​thì gia xa-tiền mộc thông, rồi bốc thêm một vài vị vô thưởng vô phạt, như hoài-sơn, phục-linh, v.v… Hoặc đệm thêm một nắm lá xì xằng cho to gói thuốc để lấy cho đáng đồng tiền của người ta. Cũng may mà dân ta phần nhiều còn ngu xuẩn, sống chết đổ cho tại số, chớ không thì các ông lang ấy chắc ăn không ngon ngủ không yên.

Than ôi! tính mệnh của người ta rất trọng, nghề làm thuốc là nghề rất khó, mà ta đã không có khoa học thì chớ, lại coi là việc dễ dàng, một nghề nhỏ mọn thì thuốc thang hay làm sao cho được?

Còn như thuốc nam, cũng lắm bài hay, mà tiếc vì không có sách di truyền chỉ còn một vài bài gia truyền của mấy nhà giữ được thì còn thấy hiệu nghiệm đó thôi. Giá thử có người chịu khó kê cứu cách thức thuốc nam thuốc bắc cho tinh tường, lại học thêm những bài kinh nghiệm, hợp lại mà làm riêng một khoa y học An-nam thì có lẽ cũng hay lắm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.