XXVIII.— TÀI CHÁNH
Tài chánh ở chốn hương thôn, số xuất nhập đại khái chia làm dăm khoản:
Số nhập:
1.— Công điền, cho người lãnh canh lấy lợi.
2.— Công ngân phóng tức lấy lợi;
3.— Tiền nộp lệ, như lệ lan nhai, lệ tống chung, lệ vọng ngôi thứ, vọng chức dịch, chức sắc, v.v…
4.— Tiền bán nhiêu, bán xã, bán hậu, bán thủ từ, bán đang cai, v.v…
5.— Tiền đóng góp.
Số xuất:
1.— Việc tế tự,
2.— Việc ăn uống,
3.— Việc sắm sửa đồ thờ, cùng là sửa sang đình miếu,
4.— Việc khai báo,
5.— Việc nuôi tuần nuôi lính cùng là cấp cho lý trưởng.
Làng nào có ruộng công tiền công thì lấy cái lợi tức ấy mà chi vào những việc công nhu. Còn làng nào không có của công thì động đến việc gì to tát, như việc tu tạo đình miếu hay là việc to tát khác, thường phải bán nhiêu bán hậu để lấy tiền chi dụng; các việc tế tự ăn uống thì phải đóng góp với nhau. Còn các tiền lệ ngạch chẳng được bao nhiêu, chỉ để chi những việc khai báo phí tổn nhỏ nhặt. Nuôi tuần thì thường cho tuần lấy về các nóc nhà mỗi năm độ vài ba hào, hoặc lấy thóc sương túc mỗi sào độ vài lượm, nuôi lính thì thường cấp ruộng công, hoặc lấy tiền công mà chi, nuôi lý trưởng thì thường cho lấy vào tiền bán xã bán trưởng.
Dân xã không mấy nơi có sổ chi thu đồng niên. Khi nào có việc tu tạo to tát thì mới có sổ, đóng độ vài chục tờ giấy bản, biên những số tiền mua bán vật liệu, hoặc chi phí sự gì và các món nhập khoản. Đến lúc hoàn thành thì dân làng chiếu sổ hội tính một lượt, thừa thì để lại gửi một người giữ tiền, thiếu thì bổ thêm mà đóng với nhau, thế là xong việc không cần gì đến sổ nữa. Còn như các việc tế tự thì lý trưởng, hoặc đương cai, hoặc phần thu phải thừa biện trước, chi tiêu những gì biên vào một mảnh giấy đợi dân làng họp đông thì tính toán bổ bán mà trả lại. Đến các việc ứng biện tạp nhạp, mặc ý cho lý trưởng tự biện, rồi lý trưởng muốn lấy món nào chi được thì thôi.
*
* *
Tài chánh của dân thôn cũng là một việc hệ trọng. Song dân xã ta thì không mấy nơi lưu tâm đến việc lý tài, chẳng qua nơi nào có ruộng công để ra mấy mẫu làm tiền công nhu hoặc may có món tiền công nào thì cho vay lấy lãi chi vào các việc. Ngoại giả thì động đến việc gì chỉ đóng góp mà thôi. Mà cách thu chi thì rất cấu thả, không có sổ sách nào cho chắc chắn cho nên kỳ mục lý trưởng dễ hà lạm của dân, chỉ khổ riêng cho bọn con em nai lưng đóng góp. Mà lâm đến khi xảy ra việc gì to tát thì không biết xoay vào đâu được, còn mong gì làm nổi những việc công ích nữa. Vậy thì tài chánh khốn quẫn, cũng bởi cách lý tài của ta vụng mà thôi.
Giả thử dân làng lập sổ sách phân minh, giao cho một người cẩn thận giữ sổ, rồi chi thu tự một đồng nào cũng biên ký cho rõ ràng kẻo để vào tay hà lạm. Dân làng liệu xem số nhập mà chi số xuất, dùng cách cần kiệm mà giữ của, lại mở nhiều lối lợi mà sinh tài và phải kén người thủ quĩ cho chắc chắn, như thế lâu dần có phải gây ra một vốn to cho dân, có vốn to rồi thì việc công ích gì mà chẳng làm nổi.
Song nhân tình ai cũng chỉ muốn cho đầy cái túi riêng, có mấy người nghĩ đến lợi chung, khá xiết than thay!