XXXII.— HỘI BÁCH NGHỆ
Dân làng thường hay có hội bách nghệ. Hội bách nghệ là bao nhiêu người trong làng làm chung một nghề gì, hoặc thợ mộc, hoặc thợ nề, hoặc thợ sơn, thợ sắt, v.v… Người làm nghề nào vào hội ấy, cho cử một người làm trưởng hội hoặc mỗi năm cắt lượt nhau làm trưởng một lần, để chứa việc hội.
Mỗi năm hội tại nhà trưởng ăn lệ với nhau một kỳ. Ngày ăn lệ hội to làm bò, hội nhỏ làm lợn, trước hết lễ thánh sư, rồi thì hội tụ ăn uống chơi bời với nhau.
Chủ ý hội thì chỉ cốt để liên lạc cái tình ý đồng sự với nhau, trong hội ai có việc hiếu, hỉ thì hội cũng có lệ mừng, phúng, hoặc là giúp đỡ tiền nong cho nhau.
Hội thường hay lập ra họ mua bán trước là giúp đỡ, sau là lấy lời. Cái lời ấy để làm vốn công của hàng hội, khi nào nhiều vốn rồi thì hội lại tìm nhiều kế ra mà sinh lời nữa, rồi mỗi năm chia cho nhau một đôi chút. Hoặc hàng hội muốn lấy danh tiếng với làng thì cung tiến về sự thần, như cúng cái nghi-môn tàu, hoặc cúng cờ cúng tán, cúng áo đại trào, v.v… Cúng thứ gì thì đề tên của hội ấy vào thứ ấy, thế là danh giá.
Hội cũng đặt ra có đàn anh, có đàn em, có người giữ sổ, có người giữ tiền công, cũng như một xã hội nhỏ vậy.
*
* *
Tục ta nghề nào lập hội ấy, một là để giữ gìn công việc cho nhau, hai là để liên lạc tình nghĩa với nhau, ba là để bênh vực nhau, cứu giúp nhau, vậy thì cái chủ ý cũng hay, mà lại có thể sinh lợi để làm được sự công ích nữa. Tiếc thay dân trí ta hẹp hòi, chỉ biết có tiền thì lo ngay đến một mảnh danh giá, cúng về dân để lấy cái tên ghi ở trong đồ sự thần, cho ai nấy trông thấy đồ thờ thì lại nhớ đến tên mình, thế cho là vinh hạnh rồi. Giá thử hội nào cũng gây lấy một cái vốn to rồi chung nhau mà mở một nghề buôn bán to tát, hoặc công xưởng gì cho có ích lợi to thì chẳng hay lắm ru?